Tại sao lại bị cước tay chân?
(Dân trí) - Tôi bị chứng cước hành hạ từ khi còn rất nhỏ. Mặc dù chạy chữa nhiều nơi nhưng không ăn thua. Điều kỳ lạ là tôi hoàn toàn khỏe mạnh, chẳng phải dùng tới thuốc men bao giờ. Vậy tại sao tôi lại mắc bệnh này và dùng thuốc gì để giảm đau?
Tôi nhớ khi còn nhỏ, lúc đó khoảng 5 tuổi, tôi đã bị cước. Chị tôi và tôi đã thử hơ ấm các ngón tay, ngón chân trên bếp lửa. Mọi người đều bảo chúng tôi hãy cẩn thận kẻo bỏng hoặc “Nó lại bị cước rồi”. Lúc đó tôi không hiểu cước là gì.
Khi là sinh viên trường y, tôi cũng chẳng được học bất cứ điều gì liên quan đến bệnh cước và không được tiếp xúc với một văn bản y học nào chính thống nói về chứng bệnh này.
Rồi khi thành bác sĩ, tôi đã hỏi một bác sĩ phẫu thuật lâu năm trong lĩnh vực tim mạch về cảm giác đau nhói tôi từng bị từ nhỏ tới lớn, ông ấy thú nhận rằng chẳng thể đưa ra lời khuyên hay hướng điều trị nào.
Nhưng giờ thì tôi có thể chia sẻ với bạn những điều tôi biết. Cước là tình trạng hoại tử tế bào, tạo thành những đám da phù nề màu đỏ sẫm, đôi khi có mụn nước, xuất huyết ở các ngón chân và tay, và có thể thấy ở mũi hay tai.
Khi da trở nên quá lạnh, các mạch máu ngoại vi dưới da bị co lại, khiến máu lưu thông chậm, gây thiếu ôxy ở vùng cần nuôi dưỡng. Khi được làm ấm đột ngột, mạch máu sẽ bị vỡ, kết quả là dễ dẫn tới viêm, sưng nề, ngứa và đau. Việc làm ấm nhanh bàn tay lạnh giá bằng lửa hay lò sưởi chính là nguyên nhân gây ra cước.
Ngoài ra, cước có xu hướng hay gặp ở những người có tuần hoàn máu kém, những người mà hay bị lạnh ngón tay, ngón chân ngay trong nhiệt độ không lạnh. Tuần hoàn máu kém dễ khiến các vùng xa tim nhất không được cung cấp đủ lượng máu cần thiết, dẫn tới dễ bị tác động bởi nhiệt độ.
Vấn đề là vậy nhưng không có cách điều trị nào hiệu quả cả. Thay vào đó chỉ là ngăn ngừa. Tức là người có bệnh cần phải có sự chuẩn bị chu đáo để tránh tái phát khi trời lạnh. Đó là mặc thật ấm, mang găng tay, tất và giày đủ ấm. Không để chân tay lạnh hơn mức cần thiết.
Cũng có những loại thuốc giãn mạch, giúp máu lưu thông ở các mạch máu ngoại vi tốt hơn nhưng tốt nhất không nên dùng vì chúng có thể gây đau đầu. Tuy nhiên, bạn có thể dùng 1 liệu pháp không kê đơn dù nó có vẻ hơi trái với thông thường, đó là uống vài hớp rượu nhỏ vào buổi tối. Chất cồn sẽ làm giãn các mạch máu nhỏ, giúp máu lưu thông tới tận những nơi xa nhất của cơ thể.
Minh Thu
TheoDailymail