Tại sao cân nặng không giảm?
(Dân trí) - Bạn đang giảm cân rất tốt. Nhưng rồi cân nặng dừng lại, không có dấu hiệu giảm tiếp. Tại sao lại như vậy? Chuyên gia dinh dưỡng, bác sỹ trị liệu tâm lý Mikhail Ginzburg (Nga) đã đưa ra những lý giải như sau.
Có 3 nguyên nhân điển hình và bạn nghĩ không giảm cân được là do đâu?
Nguyên nhân 1: Hoóc môn
Ở đây không nói về những người phụ nữ béo do rối loạn chuyển hoá (chỉ có 5% số người thừa cân thực sự bị rối loạn chuyển hoá) mà là về những thay đổi hoóc môn liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt.
Trong giai đoạn thứ 2 của kỳ kinh, trên nền điều chỉnh hoóc môn, trong cơ thể bắt đầu tích tụ chất lỏng, thường lên đến 2-3 lít. Và sự giữ lại chất lỏng nguỵ trang cho sự mất đi các chất béo dự trữ. Nhưng sau đó giảm cân được tiếp tục hoặc thậm chí là nhanh hơn.
Cần phải làm gì? Hãy cứ tiếp tục chế độ giảm cân như bạn đang thực hiện. Nếu trong giai đoạn thứ 2 của chu kỳ kinh, bạn thèm ăn, hãy chuyển sang chế độ ăn đa dạng hơn. Nhưng nên tuân thủ nguyên tắc cơ bản của chế độ ăn kiêng - chất béo. Trọng lượng có thể tăng lên một chút, nhưng mọi thứ sẽ trở lại bình thường khi chu kỳ kinh kết thúc.
Nguyên nhân 2: Giảm tiêu thụ năng lượng
Thường thì chúng ta cố gắng hết sức, nhưng nhận về là số không. Đó là bởi những nỗ lực này không góp phần "hao hụt" cân nặng. Ngược lại, chúng ngăn không cho chúng ta giảm cân.
Đây là một minh chứng cho điều đó: Nhiều người tin rằng không ăn sau 18h giúp giảm cân. Và cố gắng nhịn tuyệt đối. Họ trở nên đói, tức giận, không ngủ đủ và thường bỏ chế độ này ngay trong tuần đầu tiên. Họ lại ăn nhiều thường xuyên vào tối và đêm. Lẽ dĩ nhiên, cân nặng sẽ tăng.
Họ lại quay lại ăn kiêng, bắt đầu nhịn ăn và … lại ăn trở lại. Điều này cũng thường xảy ra với những trường hợp kiêng ngọt, kiêng protein, ăn chay, dinh dưỡng riêng biệt…
Đôi khi người ta cố gắng thực hiện đầy đủ chế độ ăn kiêng, nhưng cân thừa lại không biến mất. Đơn giản là cơ thể tìm cách ứng phó lại sự thiếu hụt chất bằng cách chuyển sang chế độ tiết kiệm, ít tiêu tốn năng lượng hơn trước cho phù hợp với những hạn chế của chế độ ăn kiêng.
Bạn cố gắng, cơ thể yếu đi, nhưng không giảm cân. Đó là lý do vì sao các chuyên gia dinh dưỡng luôn phản đối chế độ ăn kiêng hà khắc. Khi giảm mức tiêu thụ năng lượng, cơ thể mệt mỏi, buồn ngủ, bạn luôn “đóng băng”, ít di chuyển và chẳng muốn làm gì cả. Thậm chí có thể bị chóng mặt và ngất xỉu.
Phải làm gì? Nếu bạn có những triệu chứng này, hãy ngừng tra tấn bản thân và bổ sung thêm thịt nạc, cá, phô mai, ngũ cốc, mì ống vào chế độ ăn kiêng. Đừng quên luyện tập - đi bộ, tập thể dục. Và điều rất quan trọng là ngủ đủ giấc. Chiến thuật này thường dẫn đến giảm cân. Bởi vì, khi cơ thể đủ chất, nó bắt đầu tích cực “chi tiêu” calo.
Nhưng nếu cân nặng không giảm thì cũng không sao cả. Hãy nghỉ ngơi, duy trì nạp vào mức năng lượng cũ và có thể điều chỉnh thực đơn. Chỉ có điều, đừng chạy theo chế độ ăn kiêng nửa vời. Tốt hơn cả là giảm lượng chất béo và đường, giảm khẩu phần…Cùng với đó là tăng cường hoạt động thể chất.
Nguyên nhân 3: "Kiệt sức" động lực
Giảm cân bắt đầu từ chính cái đầu dựa trên ý chí- động lực của bạn. Bí quyết hoạt động của động lực chính là nó làm tăng sản sinh adrenaline trong cơ thể. Và hoóc môn này giúp đẩy nhanh việc phân chia mỡ. Sau đó, tất cả mọi thứ đều đơn giản: chất béo được tiêu thụ, các chất dinh dưỡng dự trữ tan vào máu và cho chúng ta cảm giác no, từ đó chúng ta có thể bình tĩnh quan sát và lựa chọn đồ ăn có lợi cho sức khỏe.
Khi động cơ “cạn kiệt”, mọi thứ thay đổi: adrenaline trước đó không được phân bổ, lượng chất béo từ “kho” giảm, làm xuất hiện cảm giác đói. Và chúng ta hoặc là phá vỡ chế độ ăn kiêng, hoặc tiếp tục tuân theo nó nhưng không kiên quyết và nhiệt tình như trước, dẫn đến sự trao đổi chất chậm lại.
Phải làm gì. Cần phải có động lực rõ ràng trong việc giảm cân: giảm cân để mặc quần áo đẹp, giảm cân để kiếm được nhiều tiền….Và hạn chế những lời mời mọc có thể ảnh hưởng tới chế độ ăn kiêng của bạn.
Hoàng Hường
Theo aif