Tại sao cần giặt quần áo mới trước khi mặc?

(Dân trí) - Nếu bạn thuộc týp người thường diện luôn quần áo mới khi chưa giặt, thì có khả năng bạn sẽ phải trả giá vài ngày sau đó, và cái giá đó là da đỏ, ngừa và đau.

Viêm da tiếp xúc dị ứng là một phản ứng của hệ miễn dịch với một dị nguyên (chất gây dị ứng) đã tiếp xúc với da của bạn. Nó gây ra một phản ứng muộn: phát ban xuất hiện vài ngày sau khi tiếp xúc, và sau đó có thể kéo dài trong nhiều tuần.

Tại sao cần giặt quần áo mới trước khi mặc? - 1

TS.Susan Nedorost, giáo sư da liễu tại Đại học Case Western Reserve và là giám đốc chương trình viêm da tại Trung tâm y khoa Bệnh viện Đại học Cleveland cho biết “Khi chúng ta thấy viêm da tiếp xúc dị ứng từ quần áo, nó thường là do thuốc nhuộm phân tán”. Thuốc nhuộm phân tán chủ yếu được sử dụng trong các vật liệu quần áo tổng hợp như polyester và nylon. Và chúng có thể có mặt ở cấp độ cao hơn trong quần áo mới, chưa giặt.

Mồ hôi và ma sát có thể khiến thuốc nhuộm phân tán thôi ra từ quần áo. Dụng cụ tập luyện tổng hợp – những vật liệu sáng bóng, co giãn, chống thấm nước rất phổ biến hiện nay - thường là thủ phạm khi bà điều trị cho những người bị viêm da tiếp xúc dị ứng. “Nếu một bệnh nhân đến và bị phát ban sau gáy và dọc theo hai bên quanh nách, câu hỏi đầu tiên tôi hỏi là họ mặc gì khi đi tập,” TS Nedorost nói.

Chưa rõ dị ứng với thuốc nhuộm phân tán phổ biến như thế nào trong cộng đồng. Nhưng có một cách để hạn chế nguy cơ phản ứng xấu: “Bằng cách giặt quần áo mới, bạn có thể loại bỏ một ít thuốc nhuộm thừa và do đó giảm nguy cơ tiếp xúc”.

Trong một số rất ít trường hợp, thực hiện bước này thậm chí có thể ngăn ngừa sự phát triển của dị ứng mới. Nếu thuốc nhuộm thấm vào đầu gối bị trầy xước hoặc vết thương hở khác, nó có thể kích hoạt hệ thống miễn dịch và tạo ra sự mẫn cảm kéo dài.

Phát ban dị ứng không phải là vấn đề sức khỏe duy nhất liên quan đến hóa chất trong quần áo. Trong một nghiên cứu năm 2014, một nhóm các nhà nghiên cứu từ Đại học Stockholm ở Thụy Điển đã thử nghiệm 31 mẫu quần áo được mua tại các cửa hàng bán lẻ, và “đa dạng về màu sắc, chất liệu, nhãn hiệu, quốc gia sản xuất và giá cả, và dành cho thị trường rộng lớn.”

Họ đã tìm thấy một chất hóa học có tên là quinoline (hoặc một trong những dẫn xuất của nó) trong 29 trên 31 mẫu và nồng độ chất này có xu hướng đặc biệt cao trong quần áo polyester. Quinoline được sử dụng trong nhuộm quần áo và Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ đã phân loại nó là “chất nghi gây ung thư ở người” dựa trên một số nghiên cứu liên hệ nó với hoạt động khởi phát khối u ở chuột – mặc dù cơ quan này cũng tuyên bố chưa có nghiên cứu nào trên người được tiến hành để đánh giá khả năng gây ung thư của quinoline.

Ulrika Nilsson, thành viên của nhóm Đại học Stockholm và là giảng viên hóa phân tích, cũng gọi tên các nitroanilines và benzothiazoles, hai nhóm hóa chất xuất hiện trong quần áo và bằng chứng phòng thí nghiệm và động vật đã liên hệ với các tác động xấu đến sức khỏe, bao gồm cả ung thư. Mặc dù một số chất này có thể vẫn bị khóa trong các sợi quần áo, nhưng một số hóa chất khác có thể từ từ thoát vào da hoặc vào không khí bạn hít thở khi quần áo bị cũ đi và xuống cấp. Thật không may, Nilsson nói, cho đến nay, “các hóa chất này chưa được nghiên cứu kỹ về sự hấp thu qua da hoặc ảnh hưởng sức khỏe ở người, vì vậy chưa rõ liệu tiếp xúc với các chất này trong quần áo có thể khiến bạn bị bệnh hay không”.

David Andrew, một nhà khoa học cao cấp thuộc tổ chức phi lợi nhuận Environmental Working Group, người đã điều tra về việc sử dụng hóa chất trong ngành dệt may, cho biết quần áo thường được xử lý bằng thuốc chống bám bẩn, chất nhuộm màu, chất chống nhăn, chất làm mềm và nhiều loại xử lý hsoa chất khác.

Các nhà sản xuất quần áo không phải tiết lộ bất kỳ chất nào trong số này cho khách hàng và nhiều loại hóa chất, bao gồm một loại chất chống thấm phổ biến có tên là fluorosurfactants (thường được gọi là PFAS), rất ít hoặc hầu như chưa có nghiên cứu về độ an toàn của chúng. Những chất này không chỉ có thể gây rủi ro cho sức khỏe con người mà còn kết thúc trong nguồn cung cấp không khí và nước, nơi chúng có thể gây hại thêm.

“Tốt nhất là bạn hãy giặt quần áo trước khi mặc”, Nilsson nói, giặt quần áo mới làm giảm hàm lượng hóa chất, đặc biệt là các hóa chất tồn dư có thể còn sót lại trong quá trình sản xuất.

Nhưng ngay cả như vậy, điều này cũng không ngăn cản các hóa chất trong quần áo thoát ra và bám lên da hoặc vào không khí mà bạn thở. Và thật không may, không có cách nào dễ dàng để hướng mọi người tới các mặt hàng quần áo có thể an toàn hơn.

Một số nghiên cứu về hàng may mặc gợi ý rằng vật liệu tổng hợp có thể được xử lý bằng nhiều hóa chất hơn so với sợi tự nhiên như bông. Nhưng thực sự không có chỉ dấu nào trên nhãn hoặc chứng nhận nào cho thấy một mặt hàng may mặc nào đó là không có hóa chất.

Một điều điên rồ với người tiêu dùng là bạn mua một chiếc áo có chữ 100% cotton, và không có thông tin về bất kỳ hóa chất hay phụ gia nào đã được sử dụng.

Cẩm Tú

Theo Time

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm