Tại sao bệnh nhân ung thư thường bị rụng tóc?
(Dân trí) - Rụng tóc là một tác dụng phụ thường gặp trong quá trình điều trị ung thư mà nhiều người bệnh gặp phải. Đây là mối lo ngại, quan tâm của phần lớn người bệnh ung thư, đặc biệt là người bệnh nữ.
Tại sao hóa trị ung thư gây rụng tóc?
Hóa trị là phương pháp quan trọng trong điều trị bệnh ung thư. Các thuốc hóa trị được chỉ định điều trị cho người bệnh nhằm tiêu diệt các tế bào ung thư đang phát triển. Cũng giống khối u, nang lông là một cấu trúc hoạt động với các tế bào thường xuyên phân chia để tạo ra tóc và phát triển tóc. Các loại thuốc hóa trị không thể phân biệt tế bào lành hay tế bào ung thư nên nó sẽ tác động đến tất cả các tế bào đang phân chia nhanh chóng, chính vì vậy tóc cũng bị rụng cùng với việc các tế bào ung thư bị tiêu diệt.
Thời điểm nào sẽ gặp phải vấn đề rụng tóc?
Người bệnh ung thư sau khi hóa trị thường sẽ bị rụng tóc sau khoảng hai tuần, vấn đề này thường gặp ở phần lớn người bệnh đang hóa trị, ngoài tế bào tóc, các tế bào da, niêm mạc cũng có thể bị ảnh hưởng. Mức độ rụng tóc thay đổi tùy theo loại thuốc và cơ thể của mỗi người. Có người bệnh sẽ ít bị rụng tóc hơn người khác. Rụng tóc thường xảy ra từ từ, có thể rụng toàn bộ hoặc từng mảng. Ngoài tóc bị rụng, thuốc còn gây tình trạng dễ bị gãy hơn.
Khoảng thời gian nào tóc sẽ mọc lại?
Việc rụng tóc đã trở thành nỗi ám ảnh với nhiều người bệnh ung thư, nhất là các chị em phụ nữ. Tóc có một chức năng quan trọng trong đời sống và giao tiếp, mang lại sự tự tin, vấn đề thẩm mỹ của nhiều người, do đó rụng tóc luôn là vấn đề các bác sĩ sẽ tư vấn cụ thể, chia sẻ, động viên với người bệnh về các tác dụng phụ có thể gặp phải trước khi hóa trị.
Tuy nhiên, người bệnh cũng không nên quá lo lắng bởi thông thường tóc sẽ mọc lại trong khoảng 1 đến 3 tháng sau khi việc trị liệu kết thúc. Lúc này tóc có thể thay đổi về màu tóc hoặc cấu trúc tóc như trở nên xoăn hơn hay mỏng đi, tuy nhiên, những thay đổi này chủ yếu là tạm thời và sau khoảng 6 tháng đến 1 năm tóc sẽ trở lại bình thường.