1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Tai nạn bỏng chỉ đứng sau tai nạn giao thông

(Dân trí) - Theo nghiên cứu của Ủy ban quốc gia về phòng chống tai nạn thương tích và Cục Y tế dự phòng, số lượng tai nạn bỏng trong cả nước đứng thứ hai chỉ sau tai nạn giao thông, với khoảng 20.000 đếm 25.000 bệnh nhân bỏng mỗi năm.

Con số trên được đưa ra tại hội nghị giới thiệu triển khai dự án “Phòng chống tai nạn bỏng cho cộng đồng, tập trung vào đối tượng trẻ em và nhóm nguy cơ cao” do Viện bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác và Quỹ Châu Á tổ chức hôm qua (5/6/2007).

 

Với kinh phí là 125.000 USD, dự án này được triển khai từ 6/2007 - 6/2008 trên toàn quốc, đặc biệt tập trung ở những khu vực có tỷ lệ tai nạn bỏng cao nhằm mục tiêu giảm thiểu tai nạn bỏng ở Việt Nam. Ngoài ra, dự án còn hướng tới giảm thiểu tối đa tỷ lệ sai sót do sơ cấp cứu ở tuyến y tế cơ sở.

 

TS Nguyễn Viết Lượng, trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Viện Bỏng Quốc gia cho hay, ước tính hàng năm có khoảng 20.000 đếm 25.000 bệnh nhân bỏng, trong đó từ 15.000 - 16.000 bệnh nhân bỏng nặng nguyên nhân là do các tai nạn liên quan tới nước sôi, thực phẩm nóng, hỏa hoạn do xăng dầu hoặc chập điện, bỏng trong sản xuất công nghiệp, bỏng do hóa chất…Tuy nhiên, trên thực tế, số lượng bệnh nhân bỏng lớn hơn rất nhiều, đây chỉ là con số thống kê được tại các tuyến cơ sở điều trị.

 

Theo thống kê của Viện Bỏng Quốc gia:

 

- Số lượng nạn nhân là trẻ em chiếm ít nhất 50% tổng số nạn nhân bỏng (khoảng 1.200 -1.600 bệnh nhân/năm), nửa trong số đó là trẻ nhỏ dưới 5 tuổi.

 

- Hơn 70% nạn nhân bỏng đều tập trung ở những khu vực nông thôn và miền núi.

 

-  80% nạn nhân bỏng xuất thân từ gia đình có thu nhập thấp.

 

- 30% các ca bỏng trở nên trầm trọng hơn khi chuyển tới các bệnh viện tỉnh hoặc trung ương do gia đình và nhân viên y tế cấp cơ sở không biết cách xử lý kịp thời, cách sơ cứu bệnh nhân bỏng hoặc cách điều trị cần thiết trong quá trình chuyển bệnh nhân tới bệnh viện.

 

GS Lê Năm, Giám đốc BV Bỏng Quốc gia cho biết, mỗi năm Viện nhận điều trị cho khoảng 4.000 bệnh nhân bỏng. Nhưng đáng nói, là những ca nặng chiếm tới khoảng 3% số ca tiếp nhận, bệnh nhân thường không qua khỏi. Theo ước tính, cứ 100 bệnh nhân bỏng thì có từ 3 - 4 người tử vong. 100 bệnh nhân bỏng có ít nhất 30 người để lại di chứng nặng nề về sức khỏe, chức năng, thẩm mỹ, tâm lý. Chi phí cho một ca điều trị bỏng nặng ở Việt Nam là từ 15 - 20 triệu.

 

Trước thực trạng tai nạn bỏng rất đáng ngại ở Việt Nam, Trưởng đại diện Quỹ Châu Á tại Việt Nam, tiến sĩ Kim Ninh chia sẻ: “Chúng tôi nhận thấy ở Việt Nam, hầu hết các trường hợp bỏng, đặc biệt với nạn nhân là trẻ em, đều xảy ra do thiếu hiểu biết và thiếu các hướng dẫn, biện pháp phòng tránh. Hy vọng, dự náy này sẽ giúp nâng cao ý thức của người dân và cộng đồng về phòng tránh tai nạn bỏng, đồng thời cung cấp, đào tạo nâng cao kỹ năng sơ cứu và điều trị bỏng cho cán bộ y tế cơ sở.

 

Hồng Hải