1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Tai biến tâm thần sau tiêm vắc xin phòng dại?

Ngày 25/6/2007, Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới (TPHCM) đã tiếp nhận bệnh nhân Đỗ Ngọc Nh., 17 tuổi, ngụ huyện Thống Nhất, Đồng Nai, với các biểu hiện rối loạn tri giác, rối loạn hành vi, đánh cả người nhà.

Ngày 16/6, Nh. bị chó nhà cắn ở mắt cá chân với vết thương sâu, đi chích ngừa dại tại trạm y tế xã. Sau mũi tiêm thứ ba thì đã có những triệu chứng phản ứng nhưng vẫn chích tiếp đến mũi thứ năm, bệnh nhân lên cơn. Ngày 25-6, bệnh nhân vào BV Đa khoa Thống Nhất (Đồng Nai) và sau đó chuyển vào BV Bệnh nhiệt đới.

 

Điều đáng nói là trên phiếu tiêm ngừa không ghi tên thuốc mà chỉ ghi giá bệnh nhân chích ngày đầu tiên 66.000 đồng/mũi ngừa dại và 30.000 đồng SAT ngừa uốn ván. BV Bệnh nhiệt đới liên lạc với y tế Đồng Nai tìm hiểu trạm y tế xã đã chích vắc xin gì cho bệnh nhân.

 

Tuy nhiên, sáng 1/7, TS. BS Trần Tịnh Hiền, phó giám đốc BV Bệnh nhiệt đới, cho biết: “Đến chiều 29/6 vẫn chưa nhận được phản hồi từ Đồng Nai nên vẫn chưa biết bệnh nhân được chích vắc xin gì. Các xét nghiệm về dại đã cho kết quả âm tính, chắc chắn không phải bệnh dại. Do bệnh nhân có những triệu chứng khác thường so các biến chứng sau tiêm vắc xin dại (như viêm não, liệt, nổi mẩn, bong da...) nên BV đã hai lần mời bác sĩ bên BV Tâm thần sang hội chẩn.

 

Trước tiêm, bệnh nhân bình thường, vậy có phải do chích ngừa dại, bộc phát? Trao đổi vấn đề này với ThS. BS Nguyễn Ngọc Quang, BV Tâm thần TPHCM, bác sĩ Quang cho biết: qua hội chẩn lần hai, chúng tôi nhận thấy cháu có những dấu hiệu tâm thần rất rõ: mặt khờ, không nói, thỉnh thoảng la hét, hỏi chỉ cười, không tiếp xúc được (kể cả người thân), chảy nước miếng nhiều. Cháu đã học lớp 6, nghỉ do gia đình khó khăn, chứng tỏ trước đây cháu bình thường (nhưng hiện không biết tên họ, tuổi, địa chỉ).

 

Theo ThS. BS Nguyễn Ngọc Quang, các phản ứng thần kinh sau tiêm vắcxin gồm:

 

1/ Nặng nhất có thể liệt mềm toàn thân. Đó là tổn thương hệ thống thần kinh trung ương rất nặng và nguy cơ tử vong cao. Liệt hệ thần kinh trung ương dẫn đến không điều khiển được các cơ vận động, đặc biệt là vùng lưỡi, màn hầu... và sự hồi phục khó dù điều trị tích cực.

 

2/ Nếu nhẹ, thường có những biểu hiện: ngứa, nổi mẩn tại chỗ, sốt, gây lo âu, mất ngủ, thậm chí có những cơn hoảng loạn. 3/ Diễn biến trung bình: những tổn thương thuộc hệ thần kinh trung ương như sự giảm sút vận động của hệ thống cơ xương khớp, thậm chí gây liệt khu trú tay, chân hoặc nửa người, khó khăn trong vận động phát âm, ăn uống, vận động. Những biểu hiện tâm thần như: rối loạn hành vi, la hét, nói nhảm, rối loạn ý thức, rối loạn cơ vòng (tiêu tiểu không tự chủ), rối loạn cảm xúc (khóc cười vô cớ).

 

Để đảm bảo sinh mạng và sức khỏe người dân, tránh tối đa những rủi ro do chích ngừa phòng các bệnh truyền nhiễm nói chung (kể cả vắc xin phòng dại), cần chú ý: phải biết rõ nguồn gốc vắ cxin, chọn loại an toàn cao và hiệu lực bảo vệ cao. Không nên để người dân, nhất là người nghèo, tự chọn vắcxin theo kiểu “tiền nào của đó” mà đôi khi họ phải trả cái giá quá đắt.

 

Theo Kim Sơn

Tuổi trẻ