Tai biến sức khỏe do thực phẩm
Hàng quán bên đường với thực phẩm không rõ nguồn gốc đã mang lại nhiều tai biến cho sức khỏe. Ngoài ngộ độc thực phẩm cấp thời, còn có nhiều bệnh rối loạn đường ruột khác phát triển lâu dài mà người sử dụng không biết đến.
Vậy đâu là nguồn gốc các tai biến sức khỏe do thực phẩm gây ra?
Nhiễm vi khuẩn và độc tố
Vi khuẩn và độc tố trong thực phẩm gây ra nhiều bệnh mà mức nặng nhẹ rất thay đổi. Bệnh listoriose do ăn uống các thực phẩm chứa vi khuẩn listeria dẫn đến tình trạng nhiễm trùng nặng, tuy ít xảy ra nhưng lại rất trầm trọng.
Các loại vi khuẩn khác cùng với độc tố do chúng tiết ra gây ra nhiều trường hợp ngộ độc nặng có thể dẫn đến tử vong như nhiễm độc salmonella, staphylocoque. Các đồ hộp chứa vi khuẩn clostridium botulinum gây ngộ độc nặng dẫn đến tử vong. Trong mùa nắng nóng, tình trạng ngộ độc càng trầm trọng hơn nếu thực phẩm được chế biến hoặc bảo quản không kỹ.
Nhiễm ký sinh trùng từ cá và thịt
Trong cá và thịt thường có các loại ký sinh trùng đường ruột như giun (lãi) đũa, giun xoắn, toxoplasmose, nhiễm brucella... Thường các ký sinh trùng này xâm nhập cơ thể do thức ăn không chín còn nhiễm brucella là do sữa bị nhiễm khuẩn.
Anisakidose hay còn gọi “bệnh nhiễm giun của cá” là bệnh nhiễm ký sinh trùng đường ruột do ăn hải sản tươi sống. Bệnh sẽ phát triển vài giờ sau khi ăn cá sống nhiễm giun gây ra các triệu chứng như bụng đau quặn, nôn mửa hoặc tiêu chảy. Một số người tuy nhiễm bệnh nhưng không có triệu chứng rõ rệt.
Người ta còn phát hiện bệnh anisakidose liên quan đến phản ứng dị ứng (trường hợp nặng có thể dẫn đến sốc phản vệ gây tử vong) của một số người quen dùng hải sản tươi sống và bệnh lý da ở những người bán cá.
Phụ gia
Đó là những chất đưa vào thực phẩm để giữ màu sắc tươi mới trong thời gian dài.
Tại cộng đồng châu Âu, các chất phụ gia được phép lưu hành được chỉ định bằng chữ E:
- E100-E199: Các chất màu thực phẩm.
- E200-E299: Chất bảo quản
- E300-E399: Chất chống oxy hóa
Tất cả những chất không có trong danh mục đều bị cấm. Với 345 chất phụ gia được phép dùng đều phải ghi rõ ràng trên các thực phẩm.
Nấm mốc
Nhiều loại nấm độc thường nhiễm vào thực phẩm, sản sinh ra các độc tố nhất là khi bảo quản không đúng cách. Chúng có xuất xứ từ thức ăn gia súc rồi từ đó đi vào thịt hay sữa.
Trong số các độc chất từ nấm thì aflatoxin là nhóm độc chất thường gặp trong các loại thực phẩm dùng cho gia súc hoặc cho người như ngũ cốc, bắp... và nhất là đậu phộng để lâu bị mốc.
Độc tố này bền với nhiệt, xâm nhập vào thực phẩm cung cấp cho thú vật nuôi cũng như cho người, tác động lên gan kết hợp với virus viêm gan siêu vi B làm gia tăng ung thư gan, u gan cấp tính.
Tại TPHCM, tỉ lệ thịt tươi sống bán trên thị trường nhiễm khuẩn E.Coli và tồn dư kháng sinh chiếm khá cao như với 23 mẫu thịt gà kiểm tra thì có đến 82-94% nhiễm vi khuẩn này.
Thuốc trừ sâu
Dư lượng thuốc trừ sâu luôn nguy hiểm cho sức khỏe con người. Vì vậy bao giờ cũng có giới hạn cho phép về dư lượng tối đa thuốc trừ sâu cấp quốc gia hay quốc tế.
Dư lượng thuốc trừ sâu trên các rau quả luôn là một vấn đề nguy hiểm của cộng đồng.
Kim loại nặng
Nói kim loại nặng không có nghĩa là khi ăn thì gặp phải... đồng chì sắt thép lẫn lộn trong thức ăn mà chính là các kim loại hòa tan dưới dạng ion.
Tình trạng nhiễm kim lọai nặng được quan tâm đến nhiều nhất vào thập niên 60 tại Nhật Bản. Trong suốt 30 năm, một nhà máy hóa chất đã liên tục đổ hàng tấn chất thải thủy ngân ra vịnh Minamata. Các ngư dân quanh vùng đã bị nhiễm độc hợp chất methyl-thủy ngân do ăn cá bị nhiễm độc hóa chất này.
Do hiện tượng tích lũy độc chất, thủy ngân không bị loại ra khỏi cơ thể mà tiếp tục tăng lên theo lượng thực phẩm cung cấp mỗi ngày, từ cá nhỏ nhiễm độc bị cá lớn ăn, cá lớn nhiễm độc bị người ăn...
Kết quả là ngư dân bị rối loạn thần kinh (cảm giác đau nhói, mất trương lực cơ, rối loạn phối hợp vận động, giảm thị giác, thính giác...) làm phát sinh ra một bệnh mới được gọi là hội chứng Minamata.
Nitrat & Nitrit
Tuy lượng nitrat không nguy hiểm nhiều nhưng trong một số trường hợp nó chuyển biến thành nitrit rất nguy hiểm. Nó ngăn cản hoạt động chuyên chở oxy của hồng cầu.
Theo Đẹp