Tai biến nghiêm trọng khi mổ lấy thai, gây nguy hại cho cả mẹ và bé

Hoàng Lê

(Dân trí) - Theo bác sĩ, tai biến này có thể xảy ra cả trong lẫn ngoài phòng mổ, nhưng nếu xuất hiện trên sản phụ mổ lấy thai sẽ làm nguy hại trầm trọng cho cả mẹ và bé.

Báo cáo trong Hội nghị khoa học kỹ thuật y khoa Sài Gòn 2024, diễn ra ngày 15/6 với sự tham dự của gần 300 đại biểu đến từ nhiều viện, trường, chuyên gia nước ngoài, bác sĩ Nguyễn Thị Sơn, Trưởng khoa Gây mê hồi sức, bệnh viện tại TP Phan Rang (tỉnh Ninh Thuận) đã thông tin về trường hợp bị phong bế trục thần kinh cao do gây tê tủy sống trên sản phụ.

Theo đó, bệnh nhân là một sản phụ 20 tuổi, chẩn đoán mang thai lần đầu 38,5 tuần chuyển dạ, cổ tử cung không tiến triển, phải mổ lấy thai cấp cứu. Trước mổ, sản phụ không ghi nhận bất thường nhưng rất đau bụng, gồng cứng.

Sản phụ được gây tê tủy sống L4-L5 đường giữa. 2 phút sau gây tê, bệnh nhân xuất hiện tình trạng mạch nhanh, huyết áp tụt, phải dùng thuốc tăng huyết áp. Sau khi em bé chào đời, sản phụ tê 2 bàn tay, nặng ngực, đánh giá mức tê ngang vai, không co giật, chẩn đoán bị tai biến phong bế trục thần kinh cao.

Tai biến nghiêm trọng khi mổ lấy thai, gây nguy hại cho cả mẹ và bé - 1

Một trường hợp sản phụ sinh bằng phương pháp mổ bắt con (Ảnh: Hoàng Lê).

Sản phụ lập tức được điều chỉnh tư thế đầu cao 30 độ, cho thở oxy, theo dõi thêm 5 phút nhưng không đỡ. Lúc này, ekip điều trị tiến hành xử trí theo phác đồ cấp cứu ngộ độc thuốc tê bằng nhũ dịch lipid 20% truyền tĩnh mạch trong 3 phút. Sau 50 phút phẫu thuật kết thúc, sinh hiệu bệnh nhân ổn định và hết tê hoàn toàn.

Theo bác sĩ Sơn, phong bế trục thần kinh cao hoặc tê tủy sống toàn bộ là một tai biến gây tê nghiêm trọng, có thể xảy ra tại các thời điểm. Đặc biệt, nếu xảy ra trên sản phụ mổ lấy thai sẽ làm nguy hại trầm trọng cho cả mẹ và bé.

Cụ thể, tai biến này có thể xảy ra tại phòng sinh (gây tê ngoài màng cứng giảm đau trong chuyển dạ), trong khi mổ (sau liều nạp gây tê ngoài màng cứng để phẫu thuật) và cả hậu phẫu (gây tê ngoài màng cứng giảm đau sau mổ: cắt tử cung, mổ lấy thai, thay khớp gối, khớp háng...).

Về cơ chế, phong bế trục thần kinh cao thường do thuốc tê lan lên cao, gây ức chế dây thần kinh tủy sống, thậm chí có thể gây trụy tuần hoàn và hô hấp. Tê tủy sống toàn bộ là thuốc tê lan ra toàn bộ tủy sống lên não gây tê toàn bộ, khiến bệnh nhân mất ý thức, có thể ngừng tim.

Tai biến nghiêm trọng khi mổ lấy thai, gây nguy hại cho cả mẹ và bé - 2

Tai biến phong bế trục thần kinh cao nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời có thể gây ra những hậu quả nặng nề (Ảnh minh họa: BS).

Theo khuyến cáo của Hội Gây mê hồi sức Việt Nam, việc không phát hiện được phong bế cao là nguyên nhân hay gặp nhất gây biến chứng nặng tê trục thần kinh toàn bộ, dẫn đến nguy cơ tử vong. Bệnh nhân có thể gặp phải tình trạng trên nếu vị trí chọc tê cao, liều thuốc gây tê cao, loại thuốc có tỷ trọng cao kèm theo tư thế đầu thấp.

Để xử trí, dự phòng tai biến trên, các chuyên gia khuyến cáo nhân viên y tế không nên tiêm thuốc khi bệnh nhân ho, đau nhiều, gồng cứng người, vì có thể làm tăng mức lan của thuốc tê. Bên cạnh đó, xem xét giảm liều thuốc tê ở bệnh nhân thấp lùn, béo phì.

"Phong bế trục thần kinh cao là tai biến thường liên quan đến thao tác kỹ thuật, tư thế người bệnh, nhầm liều thuốc sử dụng. Nắm vững kỹ thuật, cẩn thận trong thực hành, phát hiện sớm và xử trí bằng nhũ dịch lipid 20% kịp thời sẽ hạn chế được biến chứng nặng, đảm bảo an toàn cho người bệnh", bác sĩ Sơn kết luận.