Suýt chết vì uống nước lá rừng chữa táo bón
(Dân trí) - Thấy con trai 4 tuổi táo bón nặng, vài ngày mới đại tiện một lần, rất đau đớn, thậm chí chảy máu nên nghe mách có loại lá rừng chữa táo bón, chị Giang (Hòa Bình) đã nhờ người hái về cho nấu cho con uống. Không ngờ sau đó bé đi tiểu ra máu...
Chị Giang, mẹ bé Huy kể, do bị táo bón từ bé nên Huy rất còi. Đã 4 tuổi mà cu cậu chỉ như đứa trẻ lên 2, nặng vẻn vẹn 13kg. Nghe mọi người mách, ăn lá trầu hôi mọc trên rừng là con hết táo bón, chị đã nhờ một bà lang gần nhà vào rừng hái giúp 2 ngọn về luộc lấy 500ml nước cho con uống, Đâu ngờ, táo bón chưa thấy khỏi thì chỉ sau một ngày sau, cu cậu bỏ ăn, người cứ mệt lả, nước tiểu đỏ oạch như nước nước vối đặc. Hoảng hồn, hai vợ chồng chị đưa con đi bệnh viện tỉnh Hòa Bình khám.
Tại đây, các bác sĩ xác định bé bị thiếu máu nặng nên đã chuyển ra bệnh viện Bạch Mai. Khi vào viện, bệnh nhi trong tình trạng thiếu máu nặng, vàng da, nhịp tim nhanh.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết: “Kết quả xét nghiệm máu của bệnh nhi cho thấy lượng sắt trong máu tăng gấp hàng chục lần. Sau khi loại trừ các nguyên nhân tan máu do bẩm sinh, tan máu miễn dịch, chúng tôi khẳng định bệnh nhi này bị tan máu do ngộ độc lá cây gây thiếu máu cấp, ngay lập tức phải điều trị.
Chất độc ngấm vào máu lại không xác định được ngộ độc chất gì nên không có phương pháp giải độc đặc hiệu. Chúng tôi chỉ có thể truyền dịch nhiều để làm loãng chất độc trong máu, đồng thời cho lợi tiểu mạnh để tống chất độc ra ngoài. Đến nay sau 3 ngày điều trị, da cháu đã đỡ xanh, tỉnh táo, không còn tiểu ra máu”.
Theo BS Dũng đây là trường hợp bị tan máu do ngộ độc hiếm gặp (chất độc chưa hề tấn công hệ tiêu hóa, trẻ không sốt, không nôn, không đi ngoài nhưng lại mệt lả, da xanh mướt và tiểu ra máu gây mất máu nặng) bởi thông thường các trường hợp ngộ độc thường tác động ngay lên đường tiêu hóa, sau đó mới ngấm đường máu.
“Rất may là độc tố đang dần được thải trừ. Chỉ sau khoảng vài ngày điều trị nữa trẻ sẽ được xuất viện”, TS Dũng nói.
Từ trường hợp này, TS Dũng cảnh báo mọi người tuyệt đối không nghe theo các bài thuốc truyền miệng, tự tiện ăn các loại lá cây rừng bởi có thể người khác cũng ăn lá đó không sao nhưng trường hợp mình ăn lại có thể nguy hiểm bởi chất độc trong lá cây còn liên quan đến cơ chế sao, nấu, sử dụng ra sao… Khi bị táo bón cần tập cho bé thói quen giờ đi vệ sinh mỗi ngày dù không buồn đi và phải uống thật nhiều nước, ăn nhiều rau xanh… sẽ giúp nhuận tràng hơn. Còn nếu táo bón quá trầm trọng thì nên đến bác sĩ để được tư vấn.
Hồng Hải