1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Suýt chết vì kiêng khem không khoa học

(Dân trí) - Bệnh lý đái tháo đường xuất hiện do đường huyết trong máu tăng lên quá cao, người bệnh đái ra cả đường. Nhưng cũng rất nhiều bệnh nhân bị hạ đường huyết bất ngờ, lượng đường trong máu giảm xuống đột ngột, nếu không cấp cứu kịp thời người bệnh có thể bị hôn mê.

Khốn khổ vì tự “hành xác”

Cách đây 7 năm, bà Nguyễn Thị Thu (Thanh Xuân, Hà Nội) phát hiện mình bị đái tháo đường (ĐTĐ). Được bác sĩ giải thích, bệnh có nguyên nhân từ chế độ ăn không hợp lý, quá nhiều dinh dưỡng dẫn đến thừa cân, béo phì nên bà quyết tâm ép mình trong ăn uống, bắt đầu chế độ ăn kham khổ.
 
Suýt chết vì kiêng khem không khoa học - 1
Không phải cứ bị ĐTĐ là kiêng tuyệt đối nhiều loại thực phẩm.
Chế độ ăn cho người ĐTĐ cơ bản vẫn phải đầy đủ các nhóm,
đảm bảo đủ năng lượng nhưng cần chia nhiều bữa nhỏ và
ăn có chọn lọc hơn trên cơ sở hướng dẫn của bác sĩ.

Đang từ mỗi bữa 3 bát cơm với đầy đủ rau, thịt… bà lập tức chuyển sang chế độ ăn nửa bát cơm với thức ăn là rau, nước canh và đậu phụ luộc. Mỗi lần ngửi thấy mùi cơm, rồi mùi thức ăn bay lên thơm phức là trong bà xảy ra “cuộc chiến”, bà cứ đứng lên ngồi xuống, đi đi lại lại không yên. Ai nhìn thấy tình cảnh bà như vậy đều rất thương nhưng cũng không dám động viên bà ăn thêm. Vì có lần, con gái mua gà tần về, động viên mẹ ăn, một phút kìm lòng không được bà đã ăn hết cả xuất nhưng sau đó thì bà không ngừng tự mắng nhiếc mình, mắng nhiếc con không chịu kiêng khem hộ mẹ, ăn sướng mồm thì lại khổ cái thân.

Cho đến một hôm, đi ăn đám cưới, bạn bè lâu ngày gặp nhau, lại ngồi chung mâm nên bà mải mê trò chuyện và quên cả việc phải kiêng khem. Vậy là về nhà, bà quyết bỏ luôn cả bữa ăn chiều, ăn tối và ăn nhẹ trước khi đi ngủ, để “bù” cho việc nạp quá nhiều năng lượng vào bữa trưa. Không ngờ đến đêm khuya, bà thấy đói cồn cào, bủn rủn chân tay, vã mồ hôi… vì đói. Nhưng bà vẫn kiên quyết chịu đựng mà không gọi con dậy, cố nằm chờ đến sáng thì mới ăn. Đến lúc con trai vào phòng gọi mẹ dậy ăn sáng thì mới phát hiện bà đang ở trong tình trạng ngủ gà, mơ màng lại thỉnh thoảng giật mình… mới vội gọi cả nhà đưa bà tới viện. Bác sĩ nói, may mà bà mới hạ đường huyết ở mức độ trung bình nên đã kịp thời cấp cứu. Nếu không kịp thời điều trị bệnh dễ chuyển sang mức độ nặng khiến người bệnh hôn mê, mất cảm giác hoặc gây co giật và có thể gây tử vong cho người bệnh.

PGS.TS Tạ Văn Bình, Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược phòng chống đái tháo đường, cho biết: "Rất nhiều người như bà Thu, khi được chẩn là ĐTĐ liền bắt mình “hành xác” bằng chế độ ăn kham khổ, hà khắc. Do không đủ dinh dưỡng, ăn quá ít nên nhiều người bất ngờ bị hạ đường huyết trong máu, thậm chí dẫn đến hôn mê, nguy hiểm tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời. Sự “hành xác” trong ăn uống như vậy là không cần thiết, thậm chí gây ảnh hưởng không tốt tới tình trạng bệnh".

Hạ đường máu tình là tình trạng phổ biến ở người ĐTĐ, tuỳ theo độ thấp của đường máu mà gây các biểu hiện lâm sàng khác nhau và có thể gây hôn mê và tử vong. Ngoài nguyên nhân do sử dụng insulin không đúng cách thì một nguyên nhân quan trọng, rất phổ biến là do chế độ ăn của người bệnh. Do sợ đường máu tăng cao nên rất nhiều người bỏ ăn, ăn ít bữa hoặc ăn muộn so với các bữa ăn hàng ngày. Ngoài ra, việc luyện tập thể dục thể thao không phù hợp, tăng vận động mà không bổ sung thêm glucid hoặc không giảm liều insulin cũng dễ gây biến chứng này.

Hãy luôn mang theo đường

Qua thực tế khám chữa bệnh, TS Bình nhận thấy, hầu hết người bệnh ĐTĐ luôn sợ và tránh tất cả các đồ ngọt, đồ ăn nhiều dinh dưỡng và sự tránh này nhiều lúc thái quá mới dẫn đến sự tụt đường hút đột ngột, nguy hiểm trên.

Trong điều ĐTĐ, người bệnh phải kết hợp cả dùng thuốc, tập luyện và dinh dưỡng để cố gắng duy trì mức đường huyết ở gần với trạng thái bình thường. Trong đó, chế độ dinh dưỡng là rất quan trọng, cơ bản, cần thiết cho tất cả người bệnh, ở bất cứ loại hình điều trị nào.

Không phải cứ ĐTĐ là buộc phải kiêng khem tất cả những thứ ngon bổ dưỡng, kiêng đường mà chế độ ăn cần đủ calo cho hoạt động sống bình thường, cân đối các tỷ lệ thành phần chất đạm, mỡ, đường, đủ vi chất dinh dưỡng… Đặc biệt là với đường bột, khi xảy ra hiện tượng tụt đường huyết đột ngột, uống một cốc nước đường ấm sẽ là một “liều thuốc” hiệu quả cấp cứu trong trường hợp này.

Người bệnh nên chia nhỏ các bữa ăn chính trong ngày để luôn đảm báo có đầy đủ chất đường trong máu phù hợp với lượng thuốc. Lý tưởng nhất là chia 3 bữa chính là sáng, trưa, tối và ba bữa phụ vừa giữa sáng, giữa chiều và bữa ăn trước khi đi ngủ. Người bệnh phải phải duy trì đều đặn các bữa ăn dù không có cảm giác thèm ăn và cần nhớ, luôn phải có bữa trước khi đi ngủ. Lý giải điều này, TS Bình cho biết, sẽ rất nguy hiểm cho người bệnh nếu hạ glucose máu vào ban đêm. Vì thế, bữa ăn phụ trước ngủ là một giải pháp phòng hiệu quả nguy cơ này. Ngoài ra, người bệnh cũng không nên tiêm insulin có tác dụng nhanh vào buổi tối.

“Người bệnh nên duy trì ăn uống bình thường, cân đối hài hòa giúp kiểm soát đường máu, không nên kiêng khem thái quá để phòng nguy cơ hạ đường máu. Nếu thấy có triệu chứng như đói cồn cào, vã mồ hôi… thì nên uống nước ấm pha đường, sau đó ăn thêm bữa phụ. Người bệnh ĐTĐ hãy luôn mang theo đường hoặc các thực phẩm cần thiết để phòng nguy cơ này. Tuy nhiên, cũng không nên quá lo lắng, ăn uống quá nhiều lại tạo ra sự dư thừa năng lượng gây béo phì khiến ĐTĐ càng có cơ hội tiến triển nặng lên, gây thừa đường, gây nhiễm độc đường… Vì thế, dinh dưỡng trong ĐTĐ phải được tính toán khoa học, cụ thể và bác sĩ phải hướng dẫn cho từng người bệnh, vì cả hai nguy cơ, tăng hay hạ đường máu đều rất nguy hiểm cho người bệnh”, TS Bình nói.

Hồng Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm