Suýt chết vì bị... cá trê "đánh"
(Dân trí) - Trong lúc đi bắt cá, ông T. bị vây của con cá trê đâm chảy máu bàn chân, một tuần sau ông bắt đầu lên cơn sốt cao kèm theo triệu chứng cứng hàm khó nuốt. Tại bệnh viện, qua kết quả xét nghiệm bác sĩ cho biết ông bị nhiễm uốn ván rất nặng.
Nhiều ngày sau, vết thương làm mủ khiến ông T. lên cơn sốt hầm hập. Nhận định ông bị cảm cúm nên người nhà đã đi mua thuốc tây về cho uống, nhưng đến ngày thứ 10 kể từ khi bị cá đánh ông có biểu hiện cứng cơ, cứng hàm, khó nuốt và bắt đầu lên cơn co giật. Lúc này gia đình vội vã đưa ông đến bệnh viện địa phương kiểm tra. Tại đây, bác sĩ nghi ngờ ông bị nhiễm uốn ván nên chuyển lên bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, TPHCM.
BS Trần Nguyễn Tuyết Xuân, khoa Cấp cứu Hồi sức tích cực Chống độc người lớn cho biết: “Bệnh nhân nhập viện trong ngày thứ 2 của bệnh với diễn tiến nhanh và rất nặng, sau khi được dùng các loại thuốc đặc trị bệnh nhân vẫn trong tình trạng nguy kịch nên được hỗ trợ thở máy, sau 20 ngày điều trị nhưng tiên lượng bệnh vẫn còn nặng, bệnh nhân đang đối mặt với nguy cơ nhiễm trùng bệnh viện. Đây là trường hợp nhiễm uốn ván do chưa được chích ngừa”.
Uốn ván là loại bệnh nguy hiểm hiện đã có thuốc ngừa, tuy nhiên do chủ quan hoặc điều kiện kinh tế khó nên nhiều người đã không chích ngừa. Chỉ cần một vết thương nhỏ, vi khuẩn uốn ván sẽ dễ dàng tấn công những người không có kháng thể và khiến bệnh nhân rơi vào tình trạng nguy kịch. Thời gian điều trị kéo dài, việc điều trị uốn ván rất tốn kém đễ khiến cho nhiều gia đình lâm vào tình trạng suy kiệt. Bác sĩ khuyến cáo người dân nếu chưa chích ngừa uốn ván cần đến bệnh viện để được tư vấn và chích ngừa kịp thời.
Vân Sơn