Suy hô hấp, ngừng thở vì viêm thanh quản
(Dân trí) - Ca bệnh đặc biệt, một bé gái 9 tháng tuổi bỗng dưng… ngừng thở ngay khi đột ngột thở ồn ào hơn được báo cáo tại hội nghị nhi khoa mới đây cho thấy, căn bệnh viêm thanh quản cũng rất nguy hiểm, nó có thể gây biến chứng khó thở cấp cho trẻ.
Ca bệnh được Bác sĩ Mark Mannenback, Trưởng khoa cấp cứu trẻ em bệnh viện Mayo Clinic (Mỹ) chia sẻ tại Hội nghị nhi khoa Việt – Mỹ lần 3 đưa ra lời cảnh báo, viêm thanh quản không chỉ đơn giản là khàn giọng mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Trường hợp này là bé gái 9 tháng tuổi có tiền sử hoàn toàn khỏe mạnh. Khi em bé đang ở nhà với bà thì đột ngột thở ồn ào hơn và bà của bé đã gọi cán bộ y tế. Khi cán bộ y tế đến nhà thấy trẻ dù tỉnh táo nhưng có khó thở thanh quản rất rõ. Bác sĩ vừa làm thao tác dùng tay kiểm tra dị vật thì bé đột nhiên ngất xỉu… và đã được khẩn trương cấp cứu, đưa tới viện. Nhờ được can thiệp kịnh thời, bé đã qua khỏi tình trạng nguy kịch.
Trước đó, bệnh nhi này cũng có biểu hiện sốt nhẹ, ho khan nên gia đình tự mua kháng sinh cho con uống. Đến ngày thứ 3, bé đột nhiên sốt cao, nhịp thở tăng nhanh, dồn dập và dẫn đến ngừng thở. Khi em bé được đưa đến bệnh viện Bạch Mai cấp cứu đã ở trong tình trạng toàn thân tím tái do thiếu oxy, ngừng thở, hôn mê nên bác sĩ đã mở khí quản, bóp bóng rồi chuyển sang khoa Nhi.
“Sau khi hội chẩn các bác sĩ chẩn đoán cháu bị viêm thanh quản tắc nghẽn gây ngưng thở và kèm theo bị viêm phổi”, TS Dũng nói.
Khó thở vì hẹp, bít thanh quản
BS Hoàng Đình Ngọc, Phó Giám đốc BV Tai mũi họng T.Ư cho biết, viêm thanh quản là bệnh lý khá phổ biến ở trẻ em. Đa số tự khỏi ở nhiều trẻ, nhưng ở một số trẻ khác có thể có diễn tiến nhanh gây phù nề, bít tắc thanh quản khiến trẻ bị ngạt thở, suy hô hấp.
Viêm thanh quản do nhiều nguyên nhân gây ra, do vi khuẩn, vi rút gây ra. Việc nói quá nhiều, khóc, hét to cũng có thể gây viêm thanh quản.
“Trong khi đó dây thanh quản là nơi hẹp nhất trên đường thở. Chính vì là nơi hẹp nhất, nên khi xảy ra hiện tượng viêm, gây phù nề thanh quản sẽ khiến dây thanh quản bị bít kín. Khi đường thở bị bít kín, bệnh nhân sẽ khó thở, dần đến thiếu ô-xy cung cấp lên não. Tùy từng mức độ bít hẹp mà thể hiện khó thở cấp khác nhau”, BS Ngọc giải thích.
“Nguy hiểm ở chỗ, khi mới bị viêm thanh quản, người bệnh không có biểu hiện khó thở mà chỉ bị khàn giọng nên đa phần mọi người đều chủ quan không đi khám. Thực tế, khi người bệnh viêm thanh quản cấp đã lên cơn khó thở thì bác sĩ cũng hoảng, phải cấp cứu cho người bệnh rất nhanh mới hy vọng cứu sống được người bệnh. Vì thanh quản đã hẹp, lại bị phù nề nhanh nên người bệnh không thể thở được. Như trường hợp bệnh nhi trên là một ví dụ, lên cơn khó thở, ngay lập tức gia đình đưa vào viện chỉ mất khoảng 10 phút di chuyển, nhưng bệnh nhân đã tím tái, ngừng thở và phải mở nội khí quản, bóp bóng”, TS Dũng nói.
Tuy nhiên, các bà mẹ cũng không vì thế mà quá lo lắng trước bệnh viêm thanh quản của con. Vì không phải trường hợp nào bé khản tiếng cũng dẫn đến tình trạng viêm cấp gây phù nề viêm thanh quản, nhưng đây là một trong những nguy cơ và tốt nhất không nên để nguy cơ đó xảy ra.
Trong mùa lạnh, trẻ rất dễ mắc các bệnh về đường hô hấp, trong đó có viêm thanh quản, vì thế, cha mẹ cần chú ý chăm sóc trẻ để phòng bệnh. Cần tạo cho trẻ môi trường ở sạch sẽ, thoáng đãng, giường nệm phải thường xuyên vệ sinh, phòng bụi mạt… cũng là những nguyên nhân gây bệnh viêm mũi, họng dị ứng cho trẻ. Giữ ấm cổ, ngực, chân cho trẻ và khi trẻ có dấu hiệu viêm đường hô hấp trên, kèm theo khản giọng cần nhanh chóng đưa bé đi khám, can thiệp nhanh để phòng những nguy cơ đáng tiếc xảy ra cho trẻ.
Hồng Hải