“Sưu tầm” toa thuốc: Tối kỵ!

Khá nhiều người khi bệnh có dấu hiệu tái phát với các triệu chứng na ná như trước thì tự lấy toa cũ bác sĩ kê mua thuốc về dùng; hoặc dùng đơn thuốc của người khác và hiện đang phổ biến là tình trạng tự dùng thuốc qua thông tin trên mạng internet.

Làm thay bác sĩ


 

Làm thay bác sĩ

 

Có hai vấn đề nghiêm trọng gắn liền với tình trạng tự dùng thuốc ở nước ta, là tự ý dùng thuốc thuộc loại bán theo đơn (nên lưu ý kháng sinh và thuốc loại glucocorticoid – thường gọi tắt corticoid – ở nhiều nước phải bán theo toa, còn ở ta bán khá thoải mái); và tự ý dùng thuốc ở người mù tịt về thuốc.

 

Xin nêu một trường hợp tự ý dùng thuốc một cách sai lầm xảy ra khá phổ biến ở miền Nam trước năm 1975, đó là chỉ bị cảm sơ sài nhưng lại dùng kháng sinh cloramphenicol (tên biệt dược nổi tiếng trước đây là Tifomycine) để tự chữa trị thường xuyên khiến sau một thời gian bị thiếu máu bất sản (rối loạn rất nặng do cơ thể không sinh ra được tế bào máu) dẫn đến tử vong.

 

Tự dùng thuốc còn rất nguy hiểm vì dùng thuốc không đúng có thể che lấp dấu hiệu “cấp cứu ngoại khoa” (phải nhập viện để được mổ gấp). Thí dụ: đau bụng không rõ nguyên nhân (viêm ruột thừa, có thai ngoài tử cung…) mà vội dùng thuốc chống co thắt để giảm đau, thấy bụng hết đau dù bệnh vẫn còn nên người bệnh không đi bệnh viện để được phát hiện bệnh, mổ cấp cứu kịp thời.

 

Dùng đơn thuốc của chính mình hay của người khác (nhất là đơn thuốc tham khảo trên mạng) để tự chữa cũng là việc làm sai. Bởi một đơn thuốc luôn dành cho một cá nhân cụ thể trong một thời điểm cụ thể. Ngay cả bệnh của chính mình bây giờ có vẻ giống như ./trước nhưng có thể đã tiến triển ở mức độ nặng hơn, nếu dùng thuốc theo đơn cũ sẽ không còn hiệu quả.

 

Lướt mạng tìm thuốc

 

Có một bác sĩ kể câu chuyện khá chua chát như sau. Một bệnh nhân nữ bị tiểu đường hơn tám năm, nhờ ông chữa mà đường huyết ba năm nay rất ổn. Lần tái khám gần đây, đột nhiên đường huyết tăng vọt. Bà khẳng định vẫn uống thuốc, tập thể dục đều đặn và không thay đổi chế độ ăn. Gặng hỏi mãi thì bà mới rụt rè cho biết: “Thú thật với bác sĩ, hai tháng nay, mỗi ngày tôi ăn thêm nửa quả dưa hấu vì con tôi xem trên mạng thấy có người bảo trong dưa hấu có chất trị được bệnh tiểu đường”!

 

Việc tự dùng thuốc qua thông tin trên mạng internet đang trở nên đáng lo ngại. Cần cảnh giác trong việc thu thập những thông tin sức khoẻ, y dược trên mạng toàn cầu này. Ngay cả người hoạt động trong lĩnh vực chuyên môn y dược cũng phải thận trọng sàng lọc thông tin đáng tin cậy để sử dụng. Đồng thời cần ghi nhớ rằng dược phẩm luôn gắn liền với kinh doanh, không loại trừ nhiều thông tin về dược phẩm đã “bị nhiễu” vì mục đích lợi nhuận. Đối với các nhà chuyên môn y dược, phải luôn dựa trên quan điểm “y học có chứng cứ” (evidence-based medicine, viết tắt EBM), tức phải biết chọn công cụ hữu hiệu để tìm đúng thông tin trị liệu bằng thuốc đáng tin cậy. Nếu biết chọn lọc thông tin từ internet thì đây là phương tiện hữu ích để cập nhật và ứng dụng vào chuyên môn.

 

Tuy nhiên, đối với người dùng thuốc nói chung, xin có lời khuyên đừng bao giờ dùng thông tin trên internet để chẩn đoán bệnh, tự vào các địa chỉ mạng để tìm thuốc thích hợp (“thích hợp” do đã được quảng cáo rất nghệ thuật nhằm nghe xuôi tai, chiều nào cũng lọt), rồi mua thuốc trên mạng hoặc đến nhà thuốc mua về tự uống, thậm chí mua theo lối chuyền tay.

 

Khi bị rối loạn và nghĩ mình có bệnh, cách tốt nhất là đến bác sĩ (nếu là bác sĩ chuyên khoa càng tốt) để được khám, hướng dẫn và chỉ định cách điều trị. Đối với đơn thuốc của người khác thì hoàn toàn không được dùng nó tự chữa cho mình. Còn đơn thuốc cũ của chính mình dùng đã lâu, nếu bệnh trở lại cũng không tự ý lục ra dùng mà tốt nhất nên tái khám ở bác sĩ chữa cho mình trước đây. Chỉ có bác sĩ mới đủ thẩm quyền cho dùng đơn thuốc cũ hoặc thay bằng đơn mới.

 

Theo PGS.TS. DSNguyễn Hữu Đức

Sài Gòn tiếp thị