1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Sụt 30 kg vì nhiễm trực khuẩn whitmore

(Dân trí) - Nhiễm trực khuẩn gây bệnh Melioidosis (Whitmore), nam thanh niên đã trải qua hơn 1 tháng điều trị trong tình trạng thập tử nhất sinh do sốc nhiễm khuẩn huyết, suy đa nội tạng.

Hơn 20 ngày mới tìm ra bệnh

Thời điểm cách đây hơn 1 tháng, khi đến khoa Cơ xương khớp (BV Bạch Mai) khám vì sốt cao, sung tấy khớp gối, bệnh nhân Cao Văn Thêm (24 tuổi, Sầm Sơn, Thanh Hoá) nặng 70kg, không béo tròn nhưng cũng “có da có thịt”. Ban đầu, các bác sĩ nghĩ bệnh nhân nhiễm khuẩn tại chỗ vì sung khớp gối, nhưng diễn biến bệnh ngày càng nặng.

Bệnh nhân qua khỏi cửa tử là một kỳ tích với các y, bác sĩ. Ảnh: H.Hải
Bệnh nhân qua khỏi cửa tử là một kỳ tích với các y, bác sĩ. Ảnh: H.Hải

TS.BS Đỗ Duy Cường, Trưởng khoa Truyền nhiễm (BV Bạch Mai) cho biết, kể từ khi được chuyển đến khoa hôm 11/9, chỉ sau một tuần, phổi bệnh nhân trắng xoá, suy hô hấp trầm trọng. Bệnh nhân xuất hiện thêm tình trạng sốc nhiễm khuẩn huyết, suy đa phủ tạng. Hai bệnh lý trên nền bệnh nhân viêm cầu thận dùng corticoid thường xuyên, nguy cơ tử vong là mười mươi.

Trước đó khoảng 2 tháng, anh Thêm bị sưng đau khớp gối, từng đi châm cứu hơn 1 tuần không đỡ sau đó tiếp tục điều trị 10 ngày tại bệnh viện đa khoa tỉnh với chẩn đoán viêm khớp gối do nhiễm khuẩn. Sau đó, bệnh nhân được chuyển đến khoa Cơ xương khớp cũng với chẩn đoán này nhưng sau 3 ngày điều trị, bệnh nhân được chuyển sang khoa Truyền nhiễm bởi các bác sĩ nghi ngại tình trạng sốt kéo dài của người bệnh.

BS Ngô Thị Phương Nhung chia sẻ, lúc đầu các bác sĩ không nghĩ đến whitmore vì 2 lần cấy máu trước đều cho kết quả âm tính. Đến lần cấy máu thứ 3 mới lên kết quả này.

“Dù nỗ lực hết sức nhưng chúng tôi không dám tin trường hợp này sẽ qua khỏi, tiên lượng tử vong mười mươi do phát hiện Whitmore ở giai đoạn quá muộn khi nhiễm trùng huyết nặng, sốc nhiễm trùng, suy đa phủ tạng. Trong khi suy đa tạng ở mức 3 điểm sofa đã đe doạ tính mạng, thì bệnh nhân này lên ngưỡng 13 điểm sofa”, TS Cường nói.

Với sự nỗ lực của các bác sĩ trong điều trị phối hợp nhiều loại kháng sinh liều cao và sự hỗ trợ dinh dưỡng tốt, sau hơn 1 tháng điều trị, bệnh nhân dần qua nguy kịch, hô hấp, dần có dấu hiệu phục hồi. Trong vài ngày tới bệnh nhân sẽ được xuất viện nhưng vẫn cần tiếp tục dung duy trì kháng sinh từ 3 – 6 tháng và tái khám theo lịch hẹn.

Chú ý dấu hiệu sốt kéo dài

Theo TS.BS Đỗ Duy Cường, bệnh Whitmore do trực khuẩn B.pseudomallei gây rất dễ chẩn đoán nhầm sang các bệnh viêm phổi, nhiễm khuẩn da mô mềm, nhiễm khuẩn xương khớp, nhiễm khuẩn huyết…bởi nó không có biểu hiện đặc hiệu.

BSCKII Nguyễn Quang Tuấn, nguyên trưởng khoa Truyền Nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ thêm, nó khó chẩn đoán đến mức trong ngành y có câu nói “khi nghĩ bệnh là whitmore thì không phải whitmore nhưng khi không nghĩ đến nó lại là whitmore.

Đây không phải là một bệnh mới, mà được phát hiện đầu tiên trên thế giới vào năm 1911, xuất hiện tại Việt Nam từ 1936 và có khoảng 40-60% bệnh nhân mắc Whitmore sẽ tử vong do được chẩn đoán muộn. Còn nếu được phát hiện sớm, dùng kháng sinh đặc hiệu sẽ giảm tỉ lệ tử vong.

Cũng theo BS Tuấn, căn bệnh này khá phổ biến ở các nước nhiệt đới. Như tại Thái Lan có khoảng 40% ca nhiễm trùng huyết người ta nghĩ đến whitmore (dù chưa cấy máu) và điều trị theo hướng bệnh này đã thành công. Bởi khi mắc whitmore diễn biến nặng, tử vong cao, chờ đợi kết quả xét nghiệm mới điều trị là rủi ro.

Đặc biệt, ở những người có bệnh mãn tính như thận, đái tháo đường... và thường xuyên tiếp xúc với đất sẽ có nguy cơ mắc whitmore cao hơn người khác do trực khuẩn này sống trong đất, có thể xâm nhập qua các tổn thương hở trên da. Do đó nông dân, công nhân làm gạch và làm xây dựng nên mặc bảo hộ lao động, đi ủng và mang găng tay cẩn thận.

“Nhưng trên thực tế, xác định nguồn nhiễm rất khó khăn. Trong nghiên cứu của tôi với 44 bệnh nhân trong 10 năm từ 1992 0 2003 chỉ duy nhất 1 người bệnh bị sặc bùn là xác nhận được nguồn lây nhiễm”, BS Tuấn nói.

Từ đầu năm 2016 tới nay, khoa Truyền nhiễm cũng đã tiếp nhận hơn 10 ca Whitmore, chủ yếu từ các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung bộ.

TS Cường cũng lưu ý, khi thấy bệnh nhân có biểu hiện sốt liên tục, nhiễm trùng kéo dài, đặc biệt là với các đối tượng có nguy cơ cao thì các bác sĩ từ tuyến cơ sở, trung ương nên nghĩ đến whitmore để có hướng điều trị, giảm nguy cơ diễn biến nặng đe doạ tử vong.

Hồng Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm