Sưng mặt, xuất huyết dạ dày... vì thông tin trên mạng

Thời kỹ thuật số hiện nay, ngoài sách, báo, truyền hình, mọi người còn tiếp nhận thông tin sức khoẻ từ internet. Tuy nhiên, nhiều thông tin trên mạng gần như không kiểm chứng.

Sưng mặt, xuất huyết dạ dày... vì thông tin trên mạng - 1


  

Trả giá cho niềm tin

 

Ngay các nước phương Tây có nền y học phát triển, tình trạng bùng nổ thông tin sức khoẻ trên internet cũng là một vấn nạn. 

 

Bị gout 6 năm nay, chạy chữa nhiều nơi nhưng bệnh không khỏi, nên anh Khang, 45 tuổi, ngụ tại Nguyễn Trãi (quận 5, TPHCM) nghe người bạn giới thiệu một trang web hướng dẫn nhiều loại thuốc gia truyền chữa gout rất tốt, anh liền vào xem. Theo trang web, bài thuốc này không có tác dụng phụ, trị dứt điểm được bệnh, và sau một tháng dùng thuốc, bệnh nhân ăn uống thoải mái mà không cần kiêng cữ. Thấy hấp dẫn, anh gọi theo số điện thoại trên mạng và mua ngay một tháng thuốc.

 

Mới dùng được nửa tháng, tháng qua anh phải nhập viện vì… xuất huyết dạ dày. Sau khi hỏi tiền sử bệnh, bác sĩ cấp cứu cho biết nhiều khả năng loại thuốc anh mua trên mạng có trộn corticoid. Đây là một loại kháng viêm mạnh của tây y, khi dùng thuốc, chứng viêm khớp nào cũng hết, nhưng nó lại gây ra nhiều biến chứng, trong đó có xuất huyết tiêu hoá.

 

Chị Hoành, 32 tuổi, cũng là nạn nhân của những thông tin không kiểm chứng trên mạng. Là chủ một cửa hiệu áo cưới trên đường Ba Tháng Hai (quận 10, TPHCM) nhưng chị lại không tự tin vì da mặt lốm đốm tàn nhang. Trong những lần lên mạng, chị vào một trang web giới thiệu cách làm đẹp da của phụ nữ Ai Cập, đó là dùng một loại thuốc nhập ngoại, trong uống ngoài thoa, được cho là sẽ giúp da mịn màng như… da trẻ con. Thấy thông tin có hình ảnh chứng minh, chị gọi điện đặt ngay một liệu trình thuốc. Tuy nhiên, mới dùng được mười ngày, vừa qua chị phải nhập viện để trị chứng dị ứng thuốc.

 

Tạp chí sức khoẻ trá hình cho không

 

Bắt chước ấn phẩm sức khoẻ HNTN do phòng khám Trung Quốc T.N thực hiện, mới đây phòng khám đông y T.A, cũng của Trung Quốc, trên đường Hồng Bàng (quận 11, TPHCM), đã cho thực hiện một ấn phẩm có tên Đông y ứng dụng. Mặc dù ghi giá bán 6.000 đồng, nhưng ấn phẩm này được phát không tại nhiều ngã tư ở TP.HCM. Đọc sơ qua nội dung bên trong, người ta dễ dàng nhận ra nhiều thông tin thiếu tin cậy, thậm chí kỳ quặc. Chẳng hạn một bài viết cho biết có thể gia tăng kích cỡ cơ quan sinh dục nam bằng một loại thực vật quý hiếm, “kích hoạt tế bào chất xốp vốn đang ở trạng thái ngủ đông không ngừng phân tích, sinh sôi nảy nở, giúp bộ phận sinh dục vốn ngắn nhỏ có cơ hội phát dục sinh lý lần thứ hai” (!?)

 

Gặp chị trong bệnh viện Da liễu TPHCM với gương mặt sưng vù, chị tâm sự: “Tôi tưởng tất cả thuốc đưa lên mạng đều an toàn, ai sử dụng cũng được. Nếu tôi gặp bác sĩ để tư vấn thì đâu ra nông nỗi này”.

 

Không khó phân biệt thông tin đúng, sai

 

Ngoài những trang mạng thông tin sức khoẻ, một số trang web tưởng chừng vô thưởng vô phạt dưới dạng diễn đàn, tư vấn, giao lưu trực tuyến lại ẩn chứa không ít thông tin sức khoẻ thiếu kiểm chứng. Phổ biến hiện nay là một diễn đàn của các bà mẹ bàn luận đủ thứ từ sức khoẻ, giáo dục, tình yêu hôn nhân, tâm sinh lý. Vào một bài viết sức khoẻ dưới dạng tổng hợp, người ta có thể đọc được những thông tin không biết lấy từ đâu.

 

Chẳng hạn trong bài Mười bí quyết giữ gìn khả năng thụ thai, tác giả (không rõ ai!) khuyên các bà vợ nên bắt chồng mặc quần rộng, nhất là bằng vải cotton (?). Đáng lưu ý nhất ở trang web này là mục chia sẻ kinh nghiệm giải quyết vấn đề sức khoẻ. Mục này ai cũng tham gia được, một người hỏi hàng chục người lấy kinh nghiệm bản thân trả lời.

 

Bác sĩ chuyên khoa 1 da liễu Nguyễn Thị Kim Oanh nhận định: “Lấy kinh nghiệm chữa bệnh của người khác áp dụng cho bản thân mình là rất nguy hiểm vì cơ thể mỗi người mỗi khác”.

 

Ngay các nước phương Tây có nền y học phát triển, tình trạng bùng nổ thông tin sức khoẻ trên internet cũng là một vấn nạn. Một nghiên cứu ở Mỹ cho thấy có 18 triệu người Mỹ thường tìm kiếm thông tin sức khoẻ trên mạng thay vì đi gặp bác sĩ tư vấn. Đối tượng lên mạng nhiều nhất là phụ nữ và họ thường tìm thông tin sức khoẻ liên quan đến cá nhân, người thân, đặc biệt là sức khoẻ trẻ em. Ở nước ta chưa có nghiên cứu nào về chuyện này, nhưng theo bác sĩ Kim Oanh, với những tiện ích mà nó mang lại, việc tìm kiếm thông tin sức khoẻ trên mạng internet đang trở nên phổ biến. Đối tượng tra cứu nhiều nhất là dân văn phòng và những chủ đề thường được tìm kiếm là làm đẹp, làm ốm hay các vấn đề sức khoẻ phổ biến như dịch bệnh, viêm gan, ung thư…

 

Trong khi ở nước ngoài các trang web thường độc lập có nguồn thông tin riêng, thì ở nước ta phần lớn trang web lại lấy tư liệu của nhau, không ghi nguồn, vì thế thông tin khó kiểm chứng và nếu có thông tin sai, thông tin này sẽ nhanh chóng lan rộng. Theo TS chuyên khoa nam khoa Nguyễn Thành Như, phân biệt các thông tin sức khoẻ tốt xấu trên mạng không khó. Ông đưa ra ba tiêu chí đơn giản để nhận diện một trang web có nội dung tốt: đó là thông tin được đưa ra bởi một bác sĩ có thật và uy tín; thông tin có số liệu phù hợp và rõ ràng; trang web được thực hiện bởi một tổ chức hay cá nhân tên tuổi.

 

Theo Phan Sơn

Sài Gòn tiếp thị

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm