Sức khoẻ trẻ em Việt: Quyền quyết định nằm trong tay ai?
“Các bà mẹ đang chọn lựa bằng mắt, thậm chí có phần vô tư, khờ khạo, dễ bị đánh lừa bằng hình thức ngoại quan của sản phẩm!” – những lời tuyên bố của nữ nhà văn Trang Hạ là “gáo nước lạnh” dội thẳng vào những người mẹ đã và đang chăm sóc con bằng “mắt thấy tai nghe.
Sau phát ngôn của Trang Hạ, không chỉ các bà mẹ và rất nhiều người bỗng giật mình về tính minh bạch thông tin cũng như chất lượng thực sự của các sản phẩm đặc biệt là các dòng sản phẩm dùng cho trẻ em như: sữa tươi, sữa công thức, thực phẩm ăn dặm… và cả thực phẩm hàng ngày.
Câu hỏi đặt ra là quyền quyết định sức khỏe trẻ em Việt nằm trong tay ai? Người mẹ hay các nhà sản xuất và bán buôn.
Khi lời quảng cáo là “sự lựa chọn số 1”
Những người mẹ luôn mong muốn lựa chọn cho con mình những thực phẩm sạch, an toàn để trẻ có thể lớn lên một cách khỏe mạnh. Thế nhưng, đứng trước thực trạng xã hội, khi thực phẩm bị ảnh hưởng bởi quá trình thương mại hóa - bất chấp sức khỏe người tiêu dùng, chạy theo lợi nhuận, doanh số.... Thì làm thế nào để lựa chọn thực phẩm một cách an toàn nhất là một câu hỏi nhức nhối với các mẹ.
Theo nhà văn Trang Hạ, các mẹ đang luôn mua sản phẩm bằng sự truyền đạt kinh nghiệm, “rỉ tai” nhau bởi những thông tin “chuẩn” từ người xung quanh mà không hề có sự tìm hiểu về nguồn gốc, xuất xứ trước khi chọn sản phẩm dinh dưỡng cho con. Theo số liệu thống kê tại TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội ở phạm vi các bà mẹ có con trên 2 tuổi cho thấy: có đến 80% các bà mẹ không hoàn toàn tự tin khi chọn mua sữa bột cho con trong lần đầu tiên; 66% các bà mẹ không hoàn toàn rõ về những tiêu chí làm nên một hộp sữa bột tốt; 74% các bà mẹ cho rằng thông tin trên bao bì không hoàn toàn đầy đủ để người tiêu dùng tự đánh giá chất lượng sản phẩm.
Vậy thì, theo con mắt của những người mẹ vừa nói trên, quy chuẩn chất lượng ở đây là gì? nếu không phải chỉ dựa vào những kinh nghiệm của người xung quanh, và những đứa trẻ được nuôi lớn bằng những kinh nghiệm đó, liệu có cao lớn như điều mẹ mong muốn?
Quy trình cho một sản phẩm dinh dưỡng
Cùng với sự phát triển của khoa học và các ngành công nghiệp, các sản phẩm dành cho trẻ em ngày càng đa dạng và đáp ứng được rất nhiều nhu cầu đặt ra từ người mẹ. Các mẹ có quá nhiều sự lựa chọn và quá nhiều luồng thông tin quảng cáo nhưng lại không có khả năng tìm hiểu tận gốc nguồn thông tin do luôn bị giới hạn từ các nhà sản xuất và bán buôn. Hầu hết, các luồng thông tin chỉ được chứng thực hoặc phát hiện qua tiếng nói yếu ớt của các người mẹ đã dùng qua sản phẩm trên các mạng xã hội hoặc một vài bài báo.
Là một người mẹ như bao người mẹ khác, luôn lo lắng và mong muốn con mình đạt được những gì tốt đẹp nhất, việc Trang Hạ lên tiếng cũng phần nào khiến chúng ta cần phải suy nghĩ về một thói quen tiêu dùng: không bao giờ truy xuất tận tường thông tin của sản phẩm khi lựa chọn nó. Theo đó, để sản phẩm dinh dưỡng an toàn thì quy trình sản xuất và chế biến phải an toàn, đảm bảo không độc hại cho sức khỏe con người. Đặc biệt ở các sản phẩm dinh dưỡng dạng lỏng ví như sữa, việc quảng cáo vượt quá sự thật, nhập nhằng trên nhãn sản phẩm nhằm “lòe” người tiêu dùng… là thực trạng đáng báo động tại thị trường sữa hiện nay. Vì vậy, việc truy xuất nguồn gốc là một vấn đề hết sức cấp bách để người tiêu dùng có thể nhận định được những thông tin bổ ích khi chọn lựa sản phẩm như: nguồn nguyên liệu, ngày thu hoạch và sản xuất...
Việc mẹ “nuôi con bằng mắt” như cách Trang Hạ nói không chỉ là việc chỉ nghe những lời “đồn” mà chưa có ý thức hoặc quan tâm đúng mức đến vấn đề truy xuất nguồn gốc. Với lời cảnh báo đầy thách thức ấy, những bà mẹ chắc chắn đang nhìn lại chính mình để bắt đầu hành trình đi tìm quy trình của sản phẩm họ dùng mỗi ngày.
Thanh Thảo