Sức khoẻ tâm thần, nỗi lo mới của doanh nhân
BS Trịnh Tất Thắng, giám đốc BV Tâm thần TPHCM cho biết, mặc dù chưa nghiên cứu, thống kê cụ thể về tác động của khó khăn kinh tế đến sức khoẻ tâm thần của các doanh nhân nhưng từ đầu năm đến nay, bệnh viện đã tiếp xúc, điều trị hàng chục ca bệnh như vậy.
Mới đây, giám đốc của một công ty tại TPHCM đã thắt cổ tự sát tại nhà riêng. Trước đó vài ngày ông đã tìm đến một bác sĩ chuyên khoa tâm thần để khám và điều trị, nhưng do bệnh đã trầm trọng, nên bác sĩ điều trị không kịp. Theo hồ sơ bệnh án còn lưu tại bệnh viện Tâm thần, bệnh nhân này bị trầm cảm nặng do đối mặt với nhiều khó khăn trong công việc lẫn cuộc sống, có nhiều biểu hiện thơ thẩn bất thường.
Theo bác sĩ Lưu Quốc Thái, trưởng khoa khám của bệnh viện Tâm thần TP.HCM, đa số những người bị trầm cảm, nếu không được can thiệp sớm dẫn đến bệnh nặng và khả năng tự sát cao. Điển hình như trường hợp nói trên. Cũng theo bác sĩ Thái, gần đây những doanh nhân, chủ doanh nghiệp tìm đến bác sĩ tâm thần ngày một nhiều. Cụ thể, từ đầu năm đến nay ông đã tiếp xúc và can thiệp khoảng năm bệnh nhân là những người làm ăn lớn, mắc chứng bệnh trầm cảm dữ dội và hàng chục bệnh nhân là doanh nhân mới lập nghiệp bị thua lỗ, phá sản.
Hiện, bác sĩ Thái đang trực tiếp điều trị bệnh cho ông H., một doanh nhân trong ngành sản xuất và kinh doanh nhựa tại TPHCM. Ông H. có triệu chứng nhức đầu, mất ngủ, hay hồi hộp, lo âu, trong đầu có nhiều dòng suy nghĩ, nhiều ý muốn khác nhau, những việc cần suy nghĩ lại không suy nghĩ được… Ông H. cho biết, trong giai đoạn này, thị trường sản xuất và kinh doanh ngành nhựa cạnh tranh rất mạnh, giá nguyên liệu đầu vào liên tục tăng, tiền vay ngân hàng phải chịu với lãi suất cao, hàng hoá không bán được, tiền lương công nhân luôn phải nợ trong nhiều tháng. Trước những sức ép trên, ông đã phát bệnh khiến người nhà lo sợ và đưa ông đến bệnh viện Tâm thần.
Theo các bác sĩ, nhiều bệnh nhân khi mắc chứng lo âu, trầm cảm, mất ngủ thường tự mua thuốc ngủ uống hoặc đến các phòng khám đa khoa của bác sĩ không chuyên khám và lấy thuốc. Hệ quả là bệnh nặng hơn, nhiều người còn mắc chứng nghiện thuốc ngủ.
Bác sĩ Trịnh Tất Thắng nói những người làm ăn lớn, có trách nhiệm lớn của các doanh nghiệp; những ông chủ vỡ nợ do tôm rớt giá, cá chết… dễ lâm vào tình trạng trầm cảm, sang chấn tâm lý cấp tính, lo âu, mất ngủ kéo dài, hoảng hốt, chậm chạp và có thể dẫn đến những hành động không tỉnh táo. Do đó, khi có những biểu hiện của bệnh trầm cảm, bệnh nhân đừng ngại đến với bác sĩ tâm thần để được giúp đỡ vượt qua khó khăn. “Đừng e ngại mình là doanh nhân lớn nên cố gắng chịu đựng khó khăn, tự uống thuốc hoặc đi khám những nơi không đúng với chuyên khoa sâu về tâm thần, vì như vậy bệnh sẽ không thuyên giảm và còn kéo theo những hệ luỵ đáng tiếc”, ông Thắng khuyến cáo.
Theo Hoàng Nhung
Sài Gòn tiếp thị