Suất ăn sẵn - “Bóng ma” gây ngộ độc cho người lao động

(Dân trí) - Thực phẩm chế biến suất ăn sẵn mua với giá rẻ, quy trình chế biến, vận chuyển không đảm bảo đang là “bóng ma” gây ra các vụ ngộ độc cho người lao động. “Doanh nghiệp đừng tham một bát, bỏ một mâm, cần thấy rằng nếu có sức khỏe tốt, năng suất công việc sẽ tăng.”

Đó là ý kiến của ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục Trưởng Chi cục Vệ sinh An toàn Thực phẩm, TPHCM tại Hội nghị về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, Khu chế xuất - Khu công nghiệp năm 2016, tổ chức ngày 12/5.

Thực phẩm không rõ nguồn gốc, kém chất lượng đang đe dọa sức khỏe người lao động
Thực phẩm không rõ nguồn gốc, kém chất lượng đang đe dọa sức khỏe người lao động

Với đặc thù là trung tâm hành chính công nghiệp, trên địa bàn TPHCM hiện có hơn 4 triệu lao động sử dụng suất ăn với các hình thức khác nhau như: bếp ăn tập thể, nhận suất ăn sẵn, ăn tại cửa hàng dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố. Khoảng 280 nghìn lao động tại các Khu chế xuất - Khu công nghiệp sử dụng suất ăn sẵn hàng ngày.

Từ năm 2012 đến nay, thành phố có 25 vụ ngộ độc thực phẩm khiến 1.743 người phải nhập viện. Trong đó có 5 vụ ngộ độc xảy ra ở nhóm đối tượng công nhân làm 353 người mắc. Ngộ độc thực phẩm trong hai năm qua tại các Khu công nghiệp - Khu chế xuất đang gia tăng trở lại, tất cả các vụ ngộ độc đều do suất ăn sẵn gây ra.

Theo phân tích của Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm, nguyên nhân chính xảy ra ngộ độc cho công nhân xuất phát từ nguồn thực phẩm không đảm bảo chất lượng. Hiện nay, giá của các mặt hàng thực phẩm đều tăng cao, song giá suất ăn bình quân của người lao động chỉ giao động từ 10.000 đồng đến 13.000 đồng. Tuy nhiên, đây chỉ là giá do công ty đề ra, trên thực tế giá trị suất ăn của người lao động còn có thể bị “xà xẻo” bằng cách mua thực phẩm với giá rẻ, kém chất lượng, quy trình chế biến không đảm bảo an toàn.

Thống kê của Chị cục chỉ ra, qua công tác kiểm tra, nhiều nhân sự tại các cơ sở chế biến suất ăn chưa được khám sức khỏe định kỳ, chưa được tập huấn an toàn vệ sinh thực phẩm nên nhiều người vẫn có các làm sai lầm, sử dụng muối diêm, hàn the trong chế biến thức ăn. Bên cạnh đó, thời gian từ khi chế biến đến khi phục vụ cho người lao động kéo dài song thức ăn không được vận chuyển bằng xe chuyên dụng đảm bảo an toàn, thức ăn không được hâm nóng trước khi phục vụ đã tạo điều kiện cho vi sinh xâm nhập gây hại.

4 tháng đầu năm có tới 5 vụ ngộ độc, đây là tình trạng đáng báo động
4 tháng đầu năm có tới 5 vụ ngộ độc, đây là tình trạng đáng báo động

Thời gian xảy ra ngộ độc tập trung chủ yếu trong tháng 3, tháng 4 và tháng 6 đến tháng 8 hàng năm do đây là thời điểm chuyển giao giữa mùa mưa và mùa nắng nhiệt độ cao hơn so với các tháng khác trong năm. Ngoài ra, việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, bảo quản, chế biến thực phẩm cũng là những nguyên nhân gây ngộ độc.

Ông Huỳnh Lê Thái Hòa cho hay, chỉ trong 4 tháng đầu năm 2016, đã có liên tiếp 5 vụ ngộ độc, dù quy mô ngộ độc giảm song số vụ ngộ độc tăng, đang là một hiện trạng đáng báo động. Nguyên nhân ngộ độc do vi sinh vật chiếm 80% cho thấy quy trình chế biến chưa đạt chuẩn, người thực hiện công tác chế biến không đảm bảo được vệ sinh thực phẩm trước và sau chế biến cũng như khi phục vụ người ăn.

Ông Hòa yêu cầu các đơn vị liên quan tăng cường giám sát điều kiện kinh doanh, kiểm tra các cơ sở sản xuất và chế biến trên địa bàn như công tác sơ chế ở đơn vị kinh doanh và lò giết mổ. Đối với cơ sở cung cấp suất ăn sẵn phải kiểm tra 2 lần/năm, bếp ăn tập thể ít nhất 1 lần/năm. Những cơ sở tiềm ẩn nguy cơ hoặc gây ngộ độc cho người sử dụng sẽ bị thanh kiểm tra nhiều lần. Bên cạnh đó, cơ sở sử dụng suất ăn sẵn cần phát triển hệ thống tự kiểm tra các điều kiện an toàn thực phẩm của suất ăn.

Ông Thái Hòa khuyến cáo các doanh nghiệp sử dụng lao động: “Các doanh nghiệp đừng nên tham một bát, bỏ một mâm. Giá thực phẩm sạch dù cao hơn thực phẩm “chợ trời” một chút nhưng là điều kiện tiên quyết để bảo vệ, tăng cường sức khỏe cho nhân công, giúp họ tái tạo sức lao động, góp phần nâng cao năng suất công việc, tăng lợi nhuận của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp nên có những tính toán hợp lý để vừa bảo vệ sức khỏe cho người lao động, uy tín và lợi nhuận của doanh nghiệp.”

Vân Sơn