Sửa luật, bán bảo hiểm y tế theo hộ gia đình

(Dân trí) - Đó là 1 trong 11 điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) mà các chuyên gia đang kiến nghị sửa đổi để tăng độ bao phủ của BHYT cũng như tăng chất lượng trong điều trị.

Giảm chi phí người bệnh tự thanh toán
 
Tại hội nghị tổng kết, đánh giá 3 năm thực hiện Luật (BHYT) và định hướng sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT diễn ra ngày 6/11 tại Hà Nội, bộ trưởng bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, lần sửa luật này hướng đến ba mục tiêu chính là tăng tỷ lệ người tham gia BHYT; người tham gia BHYT được hưởng nhiều quyền lợi hơn và chất lượng y tế cũng nâng cao hơn.
 
Thực hiện được BHYT toàn dân sẽ giảm được chi tiền túi từ người  bệnh. Ảnh: H.Hải
Thực hiện được BHYT toàn dân sẽ giảm được chi tiền túi từ người  bệnh. Ảnh: H.Hải

Trên thực tế, độ bao phủ của BHYT nước ta hiện mới chỉ ở khoảng trên 60%. Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu toàn dân tham gia bảo hiểm y tế vào năm 2014 là rất khó khăn, thậm chí là không thể. Lý do là vì những nhóm dễ thì đã tham gia, còn lại là những trường khó như: hộ gia đình làm nông, lâm, ngư và diêm nghiệp, nhóm người lao động tự do… Đa số có thu nhập không ổn định và không thuộc một tổ chức xã hội nào và người dân vẫn còn tâm lý chỉ khi ốm đau mới mua thẻ BHYT, còn khỏe mạnh thì không mua. Trong khi đó, những rủi ro về sức khỏe luôn đến bất ngờ, đó là lý do có rất nhiều người hoàn cảnh khó khăn phải chịu cảnh khốn đốn vì không có tiền chữa trị khi không may bị bệnh tật. Nhóm người này thường phải chi số tiền chữa trị gấp khoảng 300% so với số tiền đóng thẻ BHYT. Vì thế, nhiều chuyên gia đề nghị sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế theo hướng tham gia theo hộ gia đình thay vì cá nhân như hiện nay.

Theo nhiều chuyên gia thì việc tham gia theo hộ gia đình được coi là một giải pháp tối ưu. Ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (BHVN) cho rằng, khi hướng tới bán BHYT theo hộ gia đình sẽ bắt buộc các thành viên trong gia đình phải tham gia 100%. Kinh nghiệm tại nhiều nước trên thế giới và khu vực đã cho thấy, việc tham gia theo hộ gia đình là một cách thức tối ưu để thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân.

Cùng quan điểm này, Bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế, Bộ Y tế cho biết: “Chỉ có người có nguy cơ ốm đau mới mua bảo hiểm y tế. Điều này không phù hợp với ý nghĩa chia sẻ rủi ro của bảo hiểm y tế, ảnh hưởng đến tính bền vững của quỹ. Để để giảm tình trạng này, cần quy định phải tham gia đầy đủ cho toàn bộ thành viên trong hộ gia đình thì mới được hỗ trợ mức đóng. Đồng thời sửa đổi quy định về thời điểm có hiệu lực của thẻ trong những trường hợp không tham gia liên tục cho thống nhất giữa nhóm bắt buộc và tự nguyện”, bà Hương nói.

Theo bà Hương, nếu thực hiện được BHYT toàn dân sẽ giảm được chi tiêu cho người bệnh. Hiện mức chi tiêu trực tiếp tiền túi của hộ gia đình ở mức khoảng 49% tổng chi y tế, trong khi đó, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, chi phí này không nên vượt quá 30%. Vì thế, trong đề án BHYT toàn dân, khi thúc đẩy được toàn dân tham gia BHYT, mức chi tiêu trực tiếp từ tiền túi của hộ gia đình sẽ dần được giảm xuống. Cụ thể, mục tiêu đến năm 2015 sẽ giảm xuống dưới 40%  và dưới 30% vào năm 2020.

Điều chỉnh mức thanh toán vượt tuyến?

Một vấn đề cũng được thảo luận sôi nổi, đó là mức chi trả cho bệnh nhân BHYT khám trái tuyến. Nhiều ý kiến cho rằng Luật quy định thanh toán trong trường hợp bệnh nhân vượt tuyến là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng quá tải ở tuyến trên và khó kiểm soát chi phí đối với các cơ sở nhận đăng ký khám chữa bệnh BHYT ban đầu. Vì thế nên sửa đổi, bổ sung quy định về mức hưởng trong trường hợp khám bệnh theo yêu cầu, vượt tuyến, không đúng quy định của Luật.
 
Thực hiện được BHYT toàn dân sẽ giảm được chi tiền túi từ người  bệnh. Ảnh: H.Hải
Khó khăn trong việc thanh toán cho bệnh nhân tai nạn giao thông vẫn chưa được giải quyết. Ảnh: H.Hải

Tại hội thảo, vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm nhất vẫn là thanh toán BHYT đối với các trường hợp tai nạn giao thông. Bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) cho biết, cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) không có thẩm quyền và đủ căn cứ để xác định người bị tai nạn giao thông có vi phạm luật hay không. Bởi cơ quan BHXN không có thẩm quyền và đủ căn cứ để xác định người bị TNGT có vi phạm pháp luật hay không. Vì vậy, thực tế mọi trường hợp bị TNGT vào viện đều được thanh toán, sau đó nếu được cơ quan công an xác nhận có vi phạm mới không được thanh toán. Tuy vậy không phải trường hợp nào cũng được công an xác minh. Có trường hợp khi xác minh được có vi phạm giao thông thì đã ra viện, cơ quan BHXH không thể thu hồi được phần chi phí mà quỹ BHYT đã thanh toán.

Bên cạnh đó, việc quy định cùng chi trả chi phí khám bệnh không có giới hạn mức chi trả tối đa ảnh hưởng rất lớn đến khả năng chi trả của người bệnh, nhất là người mắc bệnh nặng, có chi phí lớn như ung thư, phẫu thuật tim mạch, ghép tạng, chạy thận… Trong khi nhiều nước trên thế giới áp dụng mức cùng chi trả theo nhiều mức độ và có giới hạn mức chi trả tối đa cho mỗi đợt điều trị, giúp giảm phần tự chi trả từ tiền túi người bệnh.

Bên cạnh đó với nhóm trẻ dưới 6 tuổi hiện nay, nếu chỉ cấp thẻ cho đến khi trẻ đủ 72 tháng tuổi thì có tình trạng là có những trẻ sẽ không có bảo hiểm y tế nếu hạn sử dụng thẻ hết trước tháng 9 hàng năm. Điều này tạo "khoảng trống", vì thế, để bảo đảm tính liên tục, bà Song Hương cho rằng nên cấp thẻ cho trẻ đến hết tháng 9 để từ tháng 10 các cháu sẽ tham gia theo nhóm học sinh.

Ngoài ra, theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, việc đảm bảo quyền lợi của người có thẻ bảo hiểm y tế còn nhiều bất cập. Người bệnh vẫn phải chịu cảnh quá tải tại các bệnh viện, đặc biệt tại các bệnh viện tuyến trung ươngchờ đợi lâu khi khám, nằm ghép... Chất lượng thuốc, điều trị, dịch vụ kỹ thuật y tế còn nhiều hạn chế, nhất là tại các cơ sở y tế ở vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, người có thẻ vẫn phải tự trả khá nhiều từ tiền túi cho các chi phí khám chữa bệnh trong phạm vi quyền lợi được hưởng. Vì thế, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam đề xuất sửa đổi 11 điều trong luật BHYT, nhằm  mục đích tăng tỷ lệ tham gia để đảm bảo lộ trình thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân.

Hồng Hải