Sứa khổng lồ tấn công, du khách chằng chịt vết thương trên lưng như roi đánh
(Dân trí) - Sau 10 ngày bị “va chạm” với sứa biển, nam bệnh nhân vẫn đang phải nằm viện điều trị, vẫn nguyên cảm giác “kinh hoàng” vì buốt đến rùng mình. Sau ít phút chạm vào sứa biển, toàn bộ vùng mặt, cổ, lưng sưng bệnh nhân phù nề, đau buốt.
Đang nằm điều trị tại Trung tâm chống độc (BV Bạch Mai) ngày thứ 10, nam bệnh nhân hơn 40 tuổi vẫn chằng chịt tổn thương vùng mặt, cổ và lưng.
Anh chia sẻ, đến giờ anh vẫn thấy kinh hoàng nghĩ đến cảm giác buốt đến thấu xương sau khi va chạm với sứa biển 10 ngày trước.
Trước đó, khoảng 5 giờ chiều 25/6 anh cùng cháu nhỏ 5 tuổi xuống tắm biển Quan Lạn. Vừa xuống tới nơi, còn trêu đùa cháu và thi lặn với em bé. Vừa lặn xuống, anh cảm thấy như đâm sầm vào cái gì đó rất to, rồi cảm giác ngứa rát ngay lập tức đến nên anh đã trồi lên mặt nước, dắt cháu chạy lên thẳng bờ.
Lên bờ, anh biết ngay là bị sứa biển đốt. Lúc này, người thì nói sát chanh, người thì nói tắm nước ngọt để trôi hết nọc của sứa biển, anh liền đứng dưới vòi nước ngọt thì một cảm giác buốt đến thấu xương ập đến.
“Như cảm giác chúng ta khi chạm vào bọ nẹt xanh ở cây chuối. Với tổn thương rộng toàn bộ mặt, lưng, cổ nên cảm giác đó vô cùng khủng khiếp. Nghĩ đến giờ tôi vẫn sợ, không biết bao giờ dám đi tắm biển lại”, nam bệnh nhân nhớ lại.
Trong đoàn anh có thêm 3 người bị sứa đốt nhưng nhẹ hơn. Bệnh nhân có mặt tại Trung tâm chống độc sau 5 – 6 tiếng trong tình trạng mặt, vùng lưng, cổ sưng vù.
Cũng gặp phải sứa biển khi đi tắm ở biển Quang Lạn, bệnh nhân nữ ở Hải Dương lại bị dị ứng muộn không biểu hiện nhanh như nam bệnh nhân trên.
Chị đi du lịch cùng chồng và con ở Quang Lạn. Ngay khi xuống tắm chị thấy nhói nhói nên đã lên ngay. Chồng chị cũng có cảm giác này nhưng vẫn ở dưới nước ngâm, kì cọ nên không biểu hiện nặng như chị.
Lên tàu, chị cũng nghe theo lời khuyên của dân địa phương, sát chanh vào vết rát, ngứa. Sau khi về nhà ngày thứ 9 sau chuyến đi biển trên cổ tay, ngón tay của chị mới bắt đầu xuất hiện các nốt mụn nước li ti, ngứa, rát chỉ muốn gãi rách da, rách thịt. Ngày 3/7 không thể chịu đựng thêm chị mới lên BV Bạch Mai khám và được chỉ định nhập viện.
Đừng dùng nước ngọt để rửa vết thương
BS Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm chống độc (BV Bạch Mai) cho biết, cả hai bệnh nhân trên đều đang được điều trị vì tổn thương sau khi bị sứa đốt.
Khi sứa đốt, nó phóng ra hàng ngàn cái gai cực nhỏ cắm vào da bạn và giải phóng chất độc. Đây là nguyên nhân của tình trạng xuất hiện các nốt mẩn đỏ trên da. Riêng với trường hợp nam bệnh nhân rất điển hình của những dâu dài của sứa khi cuốn lấy cổ, cuốn vào lưng bệnh nhân, gây những vết thương rất điển hình.
Thông thường, vết đốt bị ngứa, rát, phỏng nước nhưng cũng có những vết đốt gây ra những triệu chứng dị ứng nghiêm trọng như khó thở, chóng mặt, choáng váng, buồn nôn, hoặc tim đập nhanh.
Khi bị sứa đốt, nên ra khỏi nước một cách bình tĩnh. Lên bờ rồi, tuyệt đối không gãi vùng bị đốt hoặc chạm tay vào nó bởi lúc này có thể vẫn còn xúc tu cắm vào da bạn, gãi hoặc chạm vào nó sẽ chỉ khiến bạn bị đốt nhiều hơn.
Cần lưu ý, đừng dùng nước uống, nước ngọt tắm tráng để rửa vết sứa đốt bởi nó có thể làm tăng sự phóng độc, gây rát buốt. Hãy dùng nước muối để rửa vết thương. Điều này cũng lý giải nhiều trường hợp bị sứa đốt, người bệnh vào gần bờ, ngâm mình trong nước biển sẽ không bị tổn thương nặng nề như những trường hợp chạy vù lên bờ, tắm tráng.
Nếu có thể, hãy làm dịu cơn đau bằng giấm, nước chanh tươi, vắt nước vào vết ngứa. Tuyệt đối không xoa, chà sát bởi có thể làm xúc tu trên da càng phát tán, càng thêm nóng rát.
Sau đó, hãy loại bỏ xúc tu, rửa vùng da và che lại bằng gạc. Đa số phản ứng kích thích da sẽ dịu xuống sau vài ngày, nhưng nếu không đỡ, đau rát hơn hãy đến cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn điều trị.
Hồng Hải