Sửa hạn dùng của thuốc là hành vi sản xuất thuốc giả

Mới đây cơ quan chức năng đã phát hiện hơn 500.000 đơn vị thuốc tân dược hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc được, xóa date để bán cho bệnh nhân. Người bệnh sử dụng nhầm phải những loại thuốc trên sẽ nguy hại thế nào? PV đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Lê Văn Truyền – Chuyên gia cao cấp về dược học.

Thưa PGS, việc sử dụng thuốc hết date gây tác hại như thế nào cho người sử dụng?

Trước hết cần phải hiểu hạn dùng của thuốc là gì?Các tài liệu chuyên môn chính thức của Bộ Y Tế quy định về hạn dùng của thuốc như sau “Hạn dùng của thuốc là thời gian sử dụng được ấn định cho một lô thuốc mà sau thời hạn này thuốc không được phép sử dụng”. Có thể nói một cách khác, hạn dùng của thuốc là thời hạn được ấn định cho một lô thuốc mà trước thời hạn đó dược phẩm vẫn còn đảm bảo các yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng và hiệu quả điều trị, nếu được bảo quản đúng điều kiện được ghi trên nhãn hoặc bao bì của thuốc.

Hạn dùng của thuốc được xác định trên cơ sở các dữ liệu nghiên cứu độ ổn định ( còn được gọi là tuổi thọ ) của thuốc trong những điều kiện bảo quản nhất định. Sở dĩ phải nghiên cứu xác định hạn dùng của thuốc vì sau khi được bào chế, sản xuất, trong quá trình bảo quản, do đặc điểm hóa học, vật lý vốn có của dược chất hoặc của dạng bào chế, hàm lượng ban đầu có thể giảm sút ở một mức độ nào đó, và theo đó hiệu quả điều trị của thuốc không còn nguyên vẹn như ban đầu. Hạn dùng của thuốc chính là “ngưỡng thời gian mà trước đó thuốc vẫn đảm bảo chất lượng và hiệu quả điều trị”.

Thực hành tốt bảo quản thuốc do Bộ Y Tế ban hành yêu cầu nhà sản xuất và phân phối (bán buôn, bán lẻ )phải chịu trách nhiệm về chất lượng thuốc sản xuất và lưu hành trên thị trường trong thời hạn hạn dùng của thuốc đã được đăng ký với Cục Quản lý dược và hạn dùng này đã in trên bao bì của thuốc. Bộ Y Tế cũng quy định “người đứng đầu các cơ sở y tế, cơ sở sản xuất, bán buôn, bán lẻ phải chịu trách nhiệm về việc kiểm tra, giám sát hạn dùng của thuốc trong đơn vị mình phụ trách hoặc sản xuất, kinh doanh”.

Việc sử dụng thuốc hết hạn làm cho hiệu quả điều trị không đạt được kết quả mong muốn và có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng của người bệnh trong trường hợp đó là các “thuốc cứu mạng” trong những bệnh hiểm nghèo. Thuốc kháng sinh quá hạn có thể gây hiện tượng vi khuẩn kháng thuốc (nhờn thuốc ) do thuốc không còn đủ hiệu lực tiêu diệt vi khuẩn. Trong một số trường hợp khi thuốc quá hạn, các dược chất có thể phân hủy tạo ra một số chất độc cho cơ thể hoặc tạo ra các chất gây dị ứng, sốc phản vệ (trong trường hợp thuốc tiêm).

Luật Dược coi việc: Thay đổi, sửa chữa thông tin về hạn dùng ghi trên nhãn mà không được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền” là hành vi sản xuất thuốc giả.

Với các hạn sử dụng trên các vỉ thuốc, hộp thuốc người bệnh có thể hiểu như thế nào là đúng về hạn dùng bởi trên thực tế có vỉ thuốc ghi rõ ngày nhưng có vỉ chỉ ghi tháng và năm, thưa ông?

Ở Việt Nam theo quy định của Bộ Y tế, hạn dùng được ghi bằng số hoặc chữ chỉ tháng và năm: Số chỉ bằng tháng gồm hai con số hoặc tên tháng bằng chữ. Số chỉ năm là hai con số cuối của năm. Ví dụ: một lô thuốc có hạn dùng được gi là HD: 10/18 hoặc HD: Tháng 10/18 có nghĩa là trước ngày cuối cùng của tháng 10 năm 2018, khi được bảo quản đúng theo các điều kiện ghi trên nhãn hoặc các điều kiện xác định trong Hướng dẫn thực hành tốt bảo quản thuốc của Bộ Y Tế, thuốc vẫn đảm bảo chất lượng và hiệu quả do đó được phép sử dụng. Bộ Y Tế quy định đối với thuốc đã quá hạn dùng, cơ sở có thuốc quá hạn phải tổ chức kiểm kê và hủy thuốc theo đúng các điều kiện quy định để không gây ô nhiễm môi trường. Trên thị trường có thể một số thuốc nhập khẩu có hạn dùng ghi rõ ngày và tháng.

Theo Ngọc Dung

Lao động