Sự thật “mất lòng” về cảm giác của người phụ nữ sau khi phá thai
(Dân trí) - Một nghiên cứu mới đây thấy rằng hơn 95% số phụ nữ từng phá thai không hối tiếc về quyết định của mình. Tờ Telegraph đã trích đăng ý kiến của 4 phụ nữ từng làm thủ thuật này.
Emma (tên nhân vật đã được thay đổi) đã 22 tuổi khi phát hiện ra mình có thai hồi đầu năm nay. Cô đang làm phóng viên cho một tờ báo địa phương và vừa chuyển tới một căn hộ mới.
“Đơn giản là tôi biết mình muốn bỏ thai,”cô chia sẻ.
“Tôi không nói rằng đó là một quyết định dễ dàng - không hề. Chỉ là tôi chưa sẵn sàng để có con. Ngưới ấy của tôi rất tốt và hiện chúng tôi vẫn đang ở bên nhau – nhưng lúc đó chúng tôi chưa biết đủ về nhau và chúng tôi không thể sinh con mà không biết về những điều cơ bản nhất, ví dụ như người kia thích màu gì”.
Và vài tháng trước, Emma đã phá thai bằng thuốc. “Thật sự là mâu thuẫn nhưng cảm giác đầu tiên tôi có được là sự nhẹ nhõm vì tôi sẽ không phải làm mẹ. Tôi đã tự nhủ rằng 50 năm trước hẳn là tôi sẽ không có được sự lựa chọn này. Tôi không hề hồi tiếc chút nào”.
Emma không phải là người duy nhất có cảm giác này. Một nghiên cứu mới đây trên PLOS One thấy rằng hơn 95% số phụ nữ từng phá thai không hề hối hận. Trong số 667 phụ nữ Mỹ được hỏi trong 3 năm, chỉ có 5% có những cảm xúc tiêu cực như tức giận, hối tiếc, dằn vặt và buồn bã.
“Đại đa số” cảm thấy hạnh phúc và nhẹ nhõm với quyết định của mình - bất kể họ phá thai sớm hay muộn.
“Đó không phải là chuyện lớn”
Clare Murphy, phát ngôn viên của Dịch vụ tư vấn thai sản Anh, tỏ ra không ngạc nhiên: “Báo cáo này xác nhận điều chúng tôi đã biết: những phụ nữ tự đưa ra quyết định về việc chấm dứt thai nghén sẽ không hối tiếc về lựa chọn của mình”.
Kate Smurthwaite, phó chủ tịch nhóm Quyền Phá thai Anh, nhất trí rằng điều này không có gì đáng ngạc nhiên.
“Đó chính là trải nghiệm tôi từng có khi nói chuyện với những phụ nữ đã phá thai. Đối với nhiều ơhuj nữ đây thực sự không phải là chuyện gì lớn. Họ sớm tìm ra và sớm lựa chọn. Đó là một thủ thuật khá thông thường về mặt y học.
“Tôi không ngạc nhiên khi thấy người phụ nữ rất có khả năng trong việc đưa ra quyết định và tự tin vào quyết định của mình. Chúng ta hãy thôi tỏ ra ngạc nhiên khi thấy rằng phái yếu luôn rất thông minh và hợp lý”.
Smurthwaite, 39 tuổi, đã tự phá thai khi được 27 tuổi và hiện đang sống ở Tokyo.
“Khi biết mình mang thai, ngay lập tức tôi biết mình muốn làm gì,” cô tâm sự. “Không có gì phải bàn cãi. Chỉ là tôi biết rằng một đứa trẻ không phải là điều mà tôi muốn. Điều duy nhất tôi cảm thấy sau đó là sự nhẹ nhõm và hài lòng với những người đã giúp đỡ.”
Giờ đây, sau 12 năm, cô vẫn cảm thấy như vậy, và mặc dù vẫn chưa có con kể từ đó, cô chưa bao giờ hối hận về lựa chọn của mình: “Có những lúc tôi muốn có con nhưng tôi chưa từng ước mình sẽ tiếp tục mang thai lần đó. Đó là hoàn cảnh và tình huống sai lầm”.
“Tôi cảm thấy áp lực”
Mặc dù đây có vẻ là cảm giác chủ đạo ở những phụ nữ đã phá thai, song Smurthwaite cho rằng những người hối tiếc về việc chấm dứt thai nghén phần nhiều rơi vào 3 loại: những người bị kì thị; những người đang thay đổi quan điểm của mình; và những người chưa bao giờ thực sự muốn phá thai nhưng buộc phải làm như vậy.
Một trong những người này là Casey, cô đã bị bạn trai, người đã lạm dụng cô, bắt phải phá thai ở tuổi 29.
“Anh ta nói nó sẽ phá hủy cuộc đời của anh ta. Tôi đã đi phá thai nhưng tôi thực sự không muốn như vậy - thậm chí tôi còn uống vitamin cho bà bầu vào buổi sáng hôm làm thủ thuật. Tôi cảm thấy bị áp lực”, cô nói.
Cô ủng hộ việc phụ nữ được quyền phá thai, nhưng vẫn đang vật vã trước những trải nghiệm của chính mình: “Chỉ là tôi chưa sẵn sàng ở thời điểm đó. Bạn cảm thấy dằn vặt vì đã để điều đó xảy ra với mình. Nhưng không sao. Việc tâm sự về chuyện này đã tạo ra sự khác biệt, và tư vấn thực sự giúp tôi rất nhiều. Cần chấp nhận rằng cho dù bạn cảm thấy thế nào thì vẫn là điều bình thường.”
Margaret Cuthill, 68 tuổi, hối hận vì 2 lần bỏ thai của mình, nhưng vì những lý do khác. Bà đã phá thai một lần ở tuổi 26, khi đang vướng vào quan hệ với một người đàn ông đã có gia đình và không thể đối mặt với việc làm mẹ đơn thân, và một lần nữa ở tuổi 35 khi cảm thấy “cuộc sống đang ngoài tầm kiểm soát”.
Sau lần phá thai đầu tiên, bà đã “vô cùng nhẹ nhõm khi nghĩ rằng cuộc sống đã quay trở lại”, nhưng bà đã rất khổ sở với những vấn đề cảm xúc mà giờ đây bà biết là do việc bỏ thai gây ra. Sau lần phá thai thứ hai, bà được xem hình ảnh siêu âm thai nhi chưa ra đời và quan điểm của bà đã thay đổi hoàn toàn.
Việc này có hại cho phụ nữ không?
Hiện bà là thành viên phong trào chống phá thai (và cùng với con gái) làm việc cho tổ chức Abortion Recovery Care and Helpline. Bà bảo: “Tôi sẽ nói rằng phá thai không phải là câu trả lời cho phụ nữ. Việc làm ấy có hại cho người phụ nữ về mặt tình cảm.
“Nhiều người trong số 95% phụ nữ (trong nghiên cứu) sẽ thấy rằng đó không phải là câu trả lời cho họ. Có nhiều người đến tìm tôi hằng ngày, và cho dù họ mới bỏ thai được 3 ngày, 5 tháng hay 10 năm trước thì họ vẫn sống với bí mật mà họ cố che giấu và sự hối hận”.
Ở một mức độ nào đó, Murphy, thuộc BPAS, nhất trí với quan điểm này: “Tất nhiên là có những người, mặc dù không hối hận về quyết định của mình, vẫn cảm thấy khổ sở vì đó là quyết định mà họ phải đưa ra trước hết,” nhưng cô cũng cho biết không có bằng chứng khoa học nào nói rằng việc phá thai “có hại cho người phụ nữ về mặt tình cảm”.
“Báo cáo này là một chỉ số hữu ích cho những người phản đối việc phá thai, những người muốn tuyên bố rằng phụ nữ phá thai sẽ bị những sang chấn về tâm lý - không có bằng chứng nào về điều này.
“Trên thực tế, nghiên cứu này cho thấy nếu có bất cứ điều gì góp phần gây ra cảm giác tiêu cực sau thủ thuật, thì đó là sự kì thị tiếp tục diễn ra quanh việc phá thai ở một số cộng đồng. Chúng tôi biết rằng những cuộc biểu tình trước các bệnh viện của những người chống phá thai có thể khiến người phụ nữ cảm thấy bị kì thị và xấu hổ. Không phải việc phá thai gây hại cho người phụ nữ, như những người này tuyên bố, mà chính sự có mặt của họ ở cửa bệnh viện mới có hại”
“Chúng ta cần chiến đấu với sự kì thị”
Sự kì thị chắc chắn là yếu tố chính gây ra cảm giác “tiêu cực” ở những phụ nữ từng phá thai. Nghiên cứu mới đây cũng thấy rằng những người cảm giác có sự kì thị trong cộng đồng cũng rất dễ cảm thấy hối hận và dằn vặt sau khi chấm dứt thai nghén.
Đó là điều mà Emma cảm thấy phải gánh chịu dù đang sống ở nước Anh. “Mặc dù việc phá thai vẫn diễn ra hàng ngày, song chúng ta thường không nói về nó. Tôi cảm thấy không thể nêu tên thật trong bài báo này và điều đó đã nói lên tất cả. Tôi không biết chắc tại sao chúng ta lại không muốn đối mặt với nó.”
Sự miễn cưỡng của cô khi trải lòng về vấn đề này một phần xuất phát từ thực tế xung quanh cô đầy những phương tiện để ngừa thai, thậm chí cô còn đi học đại học, nói về giáo dục giới tính với cha mẹ, và cảm thấy mình có đủ mọi công cụ để tự bảo vệ bản thân trước việc mang thai ngoài ý muốn.
“Tôi cảm thấy xấu hổ vì điều đó,” cô nói. “Cũng vậy, trước những thính giả của mình tôi luôn vẽ ra hình ảnh một cô bé 15 tuổi phải phá thai.”
Cô chỉ tiết lộ điều này với người bạn thân nhất của mình và bất ngờ khi biết chính người bạn ấy cũng đã từng phá thai. “Tôi không thể tin được là cô ấy không nói cho tôi biết về chuyện đó. Nó cho thấy chúng ta ngại đề cập đến việc phá thai đến mức nào và nó đã trở thành chủ đề cấm kị ra sao. Nếu làm điều gì đó mà bạn cảm thấy không phù hợp với xã hội, thì đương nhiên bạn sẽ thấy hối hận."
Giống như Murphy và Smurthwaite, giờ đây Emma thấy rẳng cách duy nhất để xã hội đạt tới chỗ mà mọi phụ nữ bỏ thai không cảm thấy bị kỳ thị hoặc hối hận về quyết định của mình là phải phá bỏ sự cấm kị này.
Cẩm Tú
Theo Telegraph