Sự thật đóng 220 nghìn mới được đi vệ sinh ở bệnh viện
Người nhà bệnh nhân phàn nàn nhà vệ sinh bị khóa cửa, muốn vào phải đặt cọc 220.000 đồng mới có chìa khóa.
Sự việc trên xảy ra tại khoa Sản, bệnh viện 103 (Hà Đông, Hà Nội). Do đang trong quá trình cơi nới xây dựng nên khoa được chuyển tạm sang tòa nhà B10, Viện Bỏng Quốc gia.
Theo phản ánh trên một diễn đàn, tại khoa Sản có 2 nhà vệ sinh đều bị khóa lại. Người nhà hay bệnh nhân muốn đi vệ sinh phải đặt cọc 220.000 đồng để lấy chìa khóa.
"Hỏi kĩ bảo đây là quy định của khoa Sản vì sợ nhà vệ sinh quá tải nên chỉ cấp chìa khóa cho một số người", người nhà bệnh nhân bức xúc.
Chiều 25/7, PV đã trực tiếp đến khoa Sản, bệnh viện 103 để tìm hiểu. Tại đây có 2 nhà vệ sinh đều khóa cửa, mỗi bệnh nhân đều có chìa khóa riêng.
Chị Nguyễn Thị Hoàn - nhân viên dọn vệ sinh cho biết, khoa phải khóa cửa lại để hạn chế người nhà và bệnh nhân từ các khoa khác đi chung.
“Trước đây mở cửa thoải mái, nhiều người không có ý thức vứt rác bừa bãi nên tôi dọn cũng không xuể, nhà vệ sinh thường xuyên tắc, bẩn. Giờ khoá vào như này chỉ có bệnh nhân và người nhà khoa Sản dùng nên sạch sẽ hơn rất nhiều”, chị Hoàn chia sẻ.
Theo chị Hoàn và nhiều người bệnh, khi vào, mỗi bệnh nhân sẽ đặt cọc 220.000 đồng để lấy chìa khoá, khi xuất viện sẽ được trả lại 200.000 đồng.
“Không tơ hào 1 đồng”
PGS.TS Nguyễn Văn Khoa, Phó giám đốc bệnh viện 103 nói ông khá bất ngờ vì bệnh viện không có chủ trương khoá nhà vệ sinh.
Ông Khoa cho biết sẽ tiến hành rà soát lại và yêu cầu khoa Sản chấn chỉnh ngay.
Giải thích vụ việc, PGS.TS Trần Đức Trung, Chủ nhiệm khoa Sản cho biết, việc khoá nhà vệ sinh rồi giao chìa khoá đến từng bệnh nhân là bất đắc dĩ, còn số tiền 20.000 cũng dùng để quay lại phục vụ chính bệnh nhân.
Theo ông, khoa Sản chuyển tạm sang nhà B10 được 2 năm nay trong không gian rất chật hẹp, hiện Chủ nhiệm khoa cùng các bác sĩ phải dồn hết vào 1 phòng để dành buồng cho bệnh nhân.
“Khoa lúc nào cũng có 100 sinh viên, 18 nhân viên, người bệnh và người nhà khoảng 100 người nữa, chưa kể hàng ngày có rất nhiều người vào ra cũng đi vệ sinh chung ở khoa Sản trong khi 2 nhà vệ sinh rất bé”, ông Trung trần tình.
Đường ống trong nhà vệ sinh chỉ có 6cm trong khi lượng người quá tải lại thiếu ý thức, nhiều khi vứt cả khăn ướt, tã, quần... vào đó nên thường xuyên tắc.
“Có tháng chúng tôi phải mất 5-6 triệu đồng để thông nhà vệ sinh, nên sau đó đã khoá lại, giao cho mỗi gia đình bệnh nhân 1 chìa”, PGS Trung nói.
Về số tiền 20.000 đồng giữ lại, PGS Trung cho biết khoản này trên cơ sở tự nguyện của người bệnh và người nhà. Trong tất cả các buổi họp với người nhà vào thứ 2 hàng tuần, khoa đều thông báo công khai việc này.
“Khi bệnh nhân nhập viện sẽ nộp 220.000 đồng cho phòng công vụ. Người nhà sau đó sẽ được nhận 1 chùm chìa khoá 3 chìa gồm 2 chìa 2 nhà vệ sinh, 1 chìa nhà tắm có nóng lạnh, được mượn 1 cái bô, 1 bộ quần áo hấp sấy vô khuẩn, 1 ghế nhựa cho người nhà ngồi”, PGS Trung giải thích.
Theo Chủ nhiệm khoa Sản, với số tiền 20.000 đồng sẽ được dùng thuê người lau dọn nhà vệ sinh, rửa bô (5.000 đồng/cái), để thay bô mới, ghế mới khi bị vỡ, mất rồi thay khoá, đánh lại chìa, thông tắc nhà vệ sinh...
PGS Trung cho biết, có tháng khoa phải thay 5-6 cái khoá, mỗi lần đánh lại hơn 200 cái chìa. Anh em đi làm lương chẳng được bao nhiêu mà bắt anh em đóng góp thì không nên, nên khoa thông báo gia đình nào tự nguyện thì bớt lại 20.000 đồng để hỗ trợ, còn ai không tự nguyện vẫn cầm lại đủ 220.000 đồng.
“Chúng tôi không hề ép buộc ai cả. Xuất phát là vì bệnh nhân chứ thực sự anh em chúng tôi không tơ hào 1 đồng cho cá nhân. 20.000 đồng không đáng gì cả nhưng giờ thành ra mang tiếng”, PGS Trung chia sẻ.
Chủ nhiệm khoa Sản cho biết, từ mai sẽ chỉ đạo không được giữ lại tiền của bệnh nhân nữa nhưng ông trăn trở nếu mở cửa nhà vệ sinh trở lại sẽ lại tắc, lại thối, lại bẩn...
Theo T.Hạnh
VietNamnet