1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Sự thật đầy bất ngờ thay đổi định kiến về đồ ăn ngọt, có đường

(Dân trí) - Trong quan niệm chung của cộng đồng, đường và đồ ăn ngọt xưa nay được coi là “thủ phạm” chính gây nên thừa cân béo phì (TCBP), là mục tiêu cần phải “tiêu diệt” đầu tiên của những người sợ béo. Tuy nhiên, khảo sát của Viện Dinh dưỡng Quốc gia lại tìm ra nhiều nguyên nhân khác gây ra TCBP, thậm chí cho thấy tần suất sử dụng các thực phẩm có đường khác trong nghiên cứu còn giảm nguy cơ TCBP xuống 0,647 lần.

Một kết quả nghiên cứu vừa được công bố gần đây có thể thay đổi quan niệm truyền thống về đồ ăn có chứa đường và chất ngọt.

Cụ thể, Viện Dinh dưỡng Quốc gia đã tiến hành khảo sát trong 12 tháng trên 5.028 học sinh từ 7 đến 17 tuổi tại 75 trường học tại thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Thái Nguyên, tỉnh Nghệ An và tỉnh Sóc Trăng về tình trạng dinh dưỡng, khẩu phần, tần suất và thói quen tiêu thụ thực phẩm.

Sự thật đầy bất ngờ thay đổi định kiến về đồ ăn ngọt, có đường - 1

Kết quả thu được khiến không ít người bất ngờ vì những quan niệm cũ mới chỉ thể hiện được một phần của vấn đề. Khi so sánh khẩu phần ăn giữa nhóm học sinh TCBP và nhóm học sinh không TCBP, nghiên cứu đã cho thấy ở lứa tuổi tiểu học, nhóm học sinh TCBP có xu hướng sử dụng tất cả các nhóm lương thực, thực phẩm ở mức cao hơn so với nhóm học sinh không TCBP, trong đó các lương thực khác, hoa quả, thịt, trứng sữa được sử dụng ở mức độ nhiều hơn rõ rệt.

Ở lứa tuổi THCS, cả hai nhóm này đều tiêu thụ phần lớn các thực phẩm với số lượng tương đương nhau, bao gồm cả nước ngọt. Tuy nhiên, bên cạnh đó, nhóm học sinh TCBP có xu hướng tiêu thụ hoa quả và thực phẩm có đường ít hơn nhóm không TCBP.

Khi lên THPT thì giữa hai nhóm học sinh này không có sự khác biệt đáng chú ý về mức tiêu thụ các nhóm lương thực song điểm đáng chú ý là theo khảo sát này, học sinh THPT TCBP lại sử dụng ít đồ uống bổ sung có đường hơn so với học sinh THPT không TCBP.

Kết quả phân tích hồi quy tuyến tính với phương pháp stepwise sử dụng chỉ số WHZ (Weight-for-height z-scores) được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) sử dụng để phân loại suy dinh dưỡng gầy còm, bình thường, thừa cân và béo phì thậm chí còn cho thấy tần suất sử dụng các thực phẩm có đường khác giảm nguy cơ TCBP xuống 0,647 lần.

“Báo chí truyền thông chỉ đưa ra thông điệp chung chung là đừng ăn nhiều đường, hạn chế ăn đồ ngọt vì nó sẽ gây thừa cân-béo phì. Nhưng khi nhìn vào bảng số liệu trong nghiên cứu chúng ta thấy thông điệp đó không hợp lý. Ví dụ, chúng ta thấy tiêu thụ của đồ uống có đường ở học sinh tiểu học ở nông thôn cao hơn thành phố, tương tự đối với học sinh THCS và THPT, đặc biệt học sinh THPT ở nông thôn còn tiêu thụ gấp đôi nước ngọt ở thành phố. Thế thì ở nông thôn tiêu thụ nước ngọt, hay chính là đường, còn cao hơn thành phố trong khi đó tỉ lệ béo phì thừa cân ở thành phố lại cao hơn ở nông thôn. Như vậy, dựa vào đây, ít nhất chúng ta cũng đưa ra được một kết luận cho bản thân mình.” - TS Vũ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Sữa nhận xét.

GS. TS Phan Thị Kim, Chủ tịch Hội KHKT an toàn Thực phẩm Việt Nam cũng cho biết, hiện tại trên thế giới tranh cãi rất nhiều về ăn đồ ngọt sẽ dẫn đến thừa cân béo phì, nhưng đồ ngọt chỉ là một yếu tố.

“Như người ta nói vận động mới là quan trọng, ăn vào nhiều nhưng vận động nhiều thì không béo phì” - bà khẳng định.

Vị chuyên gia cũng đánh giá nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng đã điều tra toàn diện về năng lượng khẩu phần, cấu trúc dinh dưỡng trong 24h, tần suất ăn tháng qua.

Ngoài ra, trong phần kiến nghị của Viện Dinh Dưỡng, cơ quan này cũng lưu ý, chế độ ăn cần tăng cường sử dụng rau quả, chất xơ, sử dụng các thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng hoặc thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng để nâng cao chất lượng bữa ăn. Bên cạnh đó, cần định hướng các chương trình can thiệp phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ em ở vùng nông thôn và phòng chống TCBP cho trẻ em, đặc biệt ở khu vực thành thị

Như vậy, có thể nói, kết quả nghiên cứu dựa trên thực tế vừa qua của Viện Dinh Dưỡng phần nào đã “giải oan” cho đường và chất ngọt. Không nên lạm dụng, song đường, chất ngọt rõ ràng không phải là kẻ thù duy nhất với cân nặng như chúng ta từng lầm tưởng!

T.An