Sự sống mong manh của thai phụ trẻ mắc ung thư ngày lên bàn mổ sinh con

Nam Phương

(Dân trí) - Trong ca mổ, nhìn sản phụ phải ngồi nghiêng, cúi người để thở, bác sĩ cảm thấy dường như sự sống của bệnh nhân rất mong manh nhưng vẫn cố gắng gượng sức lực ít ỏi cuối cùng để đón con chào đời.

Ngày 1/12, tại Bệnh viện K Trung ương (Hà Nội) đã diễn ra một ca mổ đặc biệt, trong tư thế mổ ngồi cho người mẹ ung thư mang thai 37 tuần. Các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Trung ương trong đó có PGS.TS Trần Danh Cường, Giám đốc Bệnh viện đã trực tiếp sang hỗ trợ mổ sinh cho sản phụ.

Người mẹ ấy là chị Tạ Lưu Ngọc Anh (26 tuổi, Kỳ Sơn, Hòa Bình). Năm 2019, chị phát hiện mắc u lympho Hodgkin giai đoạn IIA với hạch cổ 2 bên kích thước 18x 37mm, hạch trung thất kích thước 33x55mm, được chỉ định điều trị truyền hóa chất 5 chu kỳ.

Đến tháng 8/2019, bệnh tiến triển với hạch trung thất kích thước 41mm, chị được thay đổi phác đồ truyền hóa chất 2 chu kỳ tiếp theo, sau đó tiếp tục phối hợp xạ trị, kích thước hạch bắt đầu giảm. Đến tháng 11, chị kết thúc quá trình điều trị. 

Bác sĩ đánh giá bệnh nhân đáp ứng điều trị 60% và chỉ định ra viện tái khám sau đó 3 tháng. Và điều bất ngờ đã xảy ra. Tháng 3/2020, chị đến khám tại khoa Nội 6, Bệnh viện K Trung ương (Hà Nội) và phát hiện có thai 11 tuần, hạch cổ kích thước 7mm, hạch trung thất kích thước 10 mm. 

Sự sống mong manh của thai phụ trẻ mắc ung thư ngày lên bàn mổ sinh con - 1
5 tháng sau khi kết thúc liệu trình điều trị ung thư thì chị Ngọc Anh biết mình có thai.

TS.BS Đỗ Huyền Nga, Trưởng khoa Nội hệ tạo huyết cho biết điều trị ung thư luôn là hành trình dài, đặc biệt với phụ nữ thì việc điều trị bệnh luôn khiến tâm lý của họ hoang mang và lo lắng hơn cả. Có nhiều bệnh nhân đón nhận tin vui được làm mẹ khi đang hoặc vừa điều trị xong. Cùng với niềm vui cũng là bao nỗi lo lắng bởi việc mang thai trong thời điểm đang điều trị hay mới điều trị xong một thời gian ngắn luôn để lại nhiều nguy cơ tiềm ẩn, ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và con. 

Vì thế, bệnh nhân được bác sĩ tư vấn ra viện theo dõi thai kỳ tại cơ sở y tế chuyên khoa sản.

Anh Nguyễn Thế Vũ, chồng chị Ngọc Anh cho biết nghe tin vợ mang thai, hai vợ chồng vừa vui, vừa lo lắng, cảm xúc rất khó tả vì lần đầu cả hai được là bố là mẹ. "Chúng tôi quyết tâm sẽ giữ con, động viên nhau suy nghĩ tích cực và thăm khám thường xuyên, hy vọng may mắn mỉm cười để vợ khỏe cả thai kỳ và con bình an chào đời", anh Vũ chia sẻ.

Với sự tư vấn của các bác sĩ chuyên khoa sản, ung bướu cùng sự động viên của gia đình và chồng, chị Ngọc Anh vượt qua 6 tháng đầu của thai kỳ khá nhẹ nhàng.

Đến những tháng cuối của thai kỳ, thai nhi phát triển nhanh hơn, các bác sĩ Bệnh viện K phối hợp Bệnh viện Phụ sản Trung ương tiêm mũi trưởng thành phổi cho thai nhi. Thai phụ nhập viện theo dõi suốt hơn 1 tháng trước phẫu thuật, cố gắng kéo dài từng ngày thai kỳ để bé gái được chào đời đủ ngày, đủ tháng.

Càng những ngày cuối thai kỳ ở tuần 36, các bác sĩ và gia đình thai phụ càng lo lắng. Bởi bệnh nhân có tổn thương xương ức, kích thước 4x5cm, thể trạng yếu, ăn uống kém, khó thở khi nằm, khi gắng sức, phải ngủ trong tư thế ngồi, tử cung to tương đương tuổi thai, hạch thành ngực kích thước 12x17mm.

Đặc biệt, bệnh nhân có dịch màng phổi dày 20mm, khó thở, khó giao tiếp. Bệnh chưa được đánh giá chính xác có di căn hay không bởi nhiều xét nghiệm chưa thể thực hiện. 

Nhiều cuộc hội chẩn được diễn ra để cân nhắc các phương án phẫu thuật cũng như điều trị cho bệnh nhân.

Sự sống mong manh của thai phụ trẻ mắc ung thư ngày lên bàn mổ sinh con - 2
Mẹ chồng và chồng ở bên động viên Ngọc Anh ngày mổ lấy thai.

"Chúng tôi đã hội chẩn kỹ càng giữa 2 bệnh viện để sẵn sàng xử lý các tình huống diễn ra trong mổ. Điều mà ekip phẫu thuật 2 bệnh viện mong muốn đó sự bình an của người mẹ và em bé chào đời mạnh khỏe", PGS.TS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K khẳng định. 

Ca mổ đặc biệt trong tư thế mổ ngồi

Ngày 1/12, khi thai nhi ở tuần 37, 2 ê kíp y bác sĩ gồm mổ đẻ và sơ sinh từ Bệnh viện Phụ sản Trung ương cùng sang Bệnh viện K thực hiện ca mổ. Vì sản phụ có tràn dịch màng phổi, màng tim do đó đặt ra nhiều thách thức trong quá trình gây mê hồi sức. Các bác sĩ cố gắng thực hiện gây tê tủy sống giúp người bệnh hồi phục nhanh nhất có thể.

"Em chỉ mong ca mổ diễn ra tốt đẹp, con em được chào đời khỏe mạnh, có con em mới có nghị lực để sống để chữa bệnh", thai phụ chia sẻ trước ca mổ với giọng nói thều thào, yếu ớt đôi khi chỉ là cái gật đầu. 

 "Nhìn sản phụ phải ngồi nghiêng, cúi người để thở, tôi cảm thấy dường như sự sống của bệnh nhân rất mong manh có thể đi bất cứ lúc nào nhưng vẫn cố gắng gượng sức lực ít ỏi cuối cùng để đón con chào đời. Tình mẫu tử thiêng liêng ấy khiến ekip phẫu thuật không ai giấu được sự thương cảm, xót xa đến nghẹn ngào", PGS.TS Trần Danh Cường, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản trung ương người trực tiếp thực hiện ca sinh hy hữu này chia sẻ. 

Sự sống mong manh của thai phụ trẻ mắc ung thư ngày lên bàn mổ sinh con - 3
Bé gái chào đời có cân nặng 2,7kg.

"Đây là ca mổ đặc biệt, trong mổ thai phụ không thể nằm nên các bác sĩ phải mổ cho bệnh nhân ở tư thế ngồi. Đây là tư thế khó để thực hiện mổ sinh, bệnh nhân sức khỏe yếu, khó thở nên các thao tác mổ phải đảm bảo nhanh, chính xác", PGS Cường cho biết thêm

Tiếng khóc của bé gái nặng 2,7kg ai trong phòng mổ cũng thở phào nhẹ nhõm. Ngay sau chào đời, bé được các bác sĩ chuyên ngành sơ sinh tiếp nhận cấp cứu đưa vào lồng ấp và chuyển sang Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Ekip còn lại tiếp tục hoàn thành ca mổ. 

"Con đến với vợ chồng tôi em là điều kỳ diệu nhất trong cuộc đời. Con mạnh khỏe là may mắn mà trời thương gia đình", chồng bệnh nhân chia sẻ.

Hiện giờ em bé tự thở và bú được. Còn với người mẹ trẻ sau đó là hành trình dài để chiến đấu với căn bệnh ung thư. 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm