Sự sống diệu kỳ của bé sơ sinh hít phân su từ trong bụng mẹ

(Dân trí) - Vừa lọt lòng, trên người bé N.B.Kim đã dính đầy phân su. Nguy kịch hơn, sau sinh 20 phút bé rơi vào tình trạng suy hô hấp nặng …Đây là một trường hợp cá biệt bởi hít phải phân su là bệnh lý hiếm gặp và vô cùng nặng nề.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, trưởng Khoa Nhi (BV Bạch Mai) cho biết, chiều 21/7, bé N.B.Kim được chuyển từ khoa Sản (BV Bạch Mai) đến khoa Nhi trong tình trạng rất nguy kịch, phản xạ sơ sinh của bé gần như không có, nhịp tim nhanh, suy hô hấp nặng phải tiến hành bóp bóng và nhanh chóng được thở máy.
 
Chị Lê vui mừng không cầm được nước mắt khi con qua cơn nguy kịch. Ảnh: H.Hải
Chị Lê vui mừng không cầm được nước mắt khi con qua cơn nguy kịch. Ảnh: H.Hải
 

Chị Trần Hồng Lê (25 tuổi, Định Công, Hà Nội) cho biết, bé là con gái đầu lòng, sinh đủ tháng, khi sinh được 3,2 kg. Quá trình mang thai, chị cũng đi khám đầy đủ nhưng không thấy có gì bất thường. Tuy nhiên, hôm 20/7, trước khi sinh một ngày, chị thấy con đạp nhiều hơn bình thường nên đã đi khám, phát hiện có cơn co tử cung nhưng đến chiều 21/7 thấy có hiện tượng ra máu tươi chị mới nhập viện. Sau khi theo dõi đẻ thường không được, thấy có hiện tượng suy thai, bác sĩ đã chỉ định mổ lấy thai.

TS Dũng cho biết, từ bệnh sử này, các bác sĩ nghĩ nhiều đến hội chứng trẻ hít phân su trong bụng mẹ và kết quả chụp X - quang phổi cho thấy có những phế quản bị bít tắc đã khẳng định bé hít phải phân su.

“Điều đáng nói là dù đã thở máy 2 ngày nhưng tình trạng bệnh nhi vẫn rất nặng, tím tái, luôn cần nồng độ oxy rất cao, trên 90%. Trong khi bình thường, về nguyên tắc là phải cố kéo nồng độ oxy xuống từ 60% trở xuống sau 1 - 2h thở máy. Chưa kể, dù thở oxy nồng độ cao nhưng nồng độ oxy trong máu bé rất thấp, chỉ đạt 2/3 so với yêu cầu”, TS Dũng nói.

Chưa kể, áp lực động mạch phổi rất lớn, tăng gấp 3 lần trong khi tim thì không có vấn đề gì. “Điều này càng chứng tỏ bé hít phải phân su quá nặng khiến trao đổi oxy rất khó khăn, bởi các chất hóa học trong phân su làm giảm hấp thu oxy khiến bệnh nhân thở máy không hiệu quả. Chúng tôi vẫn phải tiếp tục cho thở máy nồng độ oxy cao 90 - 100%”, TS Dũng nói.

Trước tình thế thở máy nồng độ oxy cao vẫn không hiệu quả, bé vẫn tím tái các bác sĩ đã quyết định dùng một loại thuốc giãn phổi. “Chúng tôi vừa bơm thuốc vừa lo bởi nếu bơm thuốc này cho trẻ đẻ non không vấn đề gì bởi trẻ đẻ non thiếu chất làm cho giãn phổi. Trong khi đây là trẻ đủ tháng, cơ thể trẻ đã tiết ra chất này nhưng bị các chất hóa học trong phân su bất hoạt. Khi bơm vào thì giúp phổi giãn, nhưng lại lo vì đây là một loại chất đạm bên ngoài đưa vào, phổi lại đang bị tổn thương nên nguy cơ nhiễm trùng cao. Rất may sau khi bơm 2 lọ, thì nồng độ ôxy thở vào giảm xuống 40%, chúng tôi mới thở phào nhẹ nhõm”, TS Dũng tâm sự.

Trải qua 20 ngày nằm cấp cứu luôn trong tình trạng nguy kịch vì tím tái bé mới được ra phòng ngoài khi nồng độ oxy máu ổn định và đến 31/7 bé được cai thở máy.

Chị Trần Hồng Lê cho biết, lần đầu tiên được ôm con vào lòng sau 20 ngày sinh con, chị không cầm được nước mắt vì thương con. “Trước đó nhìn thấy con trong phòng cấp cứu với dây dợ đầy mình, nào thì ống ăn, truyền ven, các thiết bị đo tim phổi… đã thương con thắt ruột. Khi được bế con trên tay, trên đầu con vẫn còn ven truyền, thương lắm. Thương vì con còn bé mà chịu nhiều đau đớn, khó chịu. Nhưng giờ, nguy kịch đã qua, thấy con nhanh nhẹn, khỏe mạnh mình rất vui, hạnh phúc”, chị Lê nói.

TS Dũng chi sẻ thêm, quá trình chăm sóc dinh dưỡng cho con rất khó khăn. Các điều dưỡng kiên nhẫm bơm từng 0,5ml sữa cho bé. “Dù chỉ là 0,5ml nhưng chúng tôi vẫn phải cho cháu ăn, vì nếu nhịn ăn hoàn toàn, bé sẽ bị suy dinh dưỡng do quá trình điều trị kéo dài, các loại thuốc hỗ trợ dinh dưỡng không đủ với nhu cầu. Sau đó, tăng lên được 1ml, 2ml, 10ml và đến hôm nay được xuất viện, bé uống được 50ml sữa/ngày”, TS Dũng vui mừng nói.

Lý giải về việc trẻ hít phải phân su, phó giáo sư Dũng cho biết, bình thường trẻ ỉa phân su trong bụng mẹ, nhưng không hít phải vì trẻ không cần thở mà lấy khí ôxy từ mẹ qua dây rốn. Tuy nhiên vì một lý do nào đó như tình trạng mẹ thiếu oxy cũng dẫn đến con thiếu oxy nên kích thích thở, hay việc dây rốn bị đè hay suy bánh rau cũng có thể là nguyên nhân gây ra kích thích thở cho bé.

Hội chứng này thường gặp ở trẻ đủ tháng, xảy ra vào ngày cuối, trong quá trình chuyển dạ, việc chẩn đoán rất khó. Theo nghiên cứu trên thế giới, trẻ sinh đủ tháng ở 37-38 tuần thì tỷ lệ bị hội chứng này là 1/1.000 trẻ đẻ sống. Còn ở tuần 39-41 thì tăng lên 2 trẻ, quá 40 tuần thì đến 5 trẻ.

Còn tại khoa Nhi BV Bạch Mai, mỗi năm tiếp nhận khoảng 3 - 4 trẻ bị hội chứng này nhưng chưa từng có ca bệnh nào nặng như bé Kim. Tuy nhiên cách đây khoảng 7 – 8 năm cũng có một ca tử vong vì hội chứng này tại viện do quá nặng, trong khi các phương tiện, máy móc, thuốc men không hiện đại như hiện nay.

Hồng Hải