Sốt xuất huyết, tay chân miệng tăng nhanh tại Hà Nội

(Dân trí) - Số ca mắc sốt xuất huyết, tay chân miệng tại Hà Nội đều giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, gần đây số ca bệnh có xu hướng tăng nhanh, xuất hiện ổ dịch tay chân miệng tại trường mầm non.

Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, thành phố hiện có hơn 600 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Bệnh nhân phân bố tại 28/30 quận, huyện; 198/579 xã, phường, thị trấn. So với cùng kỳ năm ngoái, số mắc giảm.

Tuy nhiên, số ca mắc có xu hướng gia tăng nhanh trong 3 tuần gần đây. Một số xã ghi nhận nhiều bệnh nhân và có ổ dịch có diễn biến phức tạp như: Tam Hiệp - Phúc Thọ (182 ca), Khánh Hà - Thường Tín (48 ca), Thanh Thùy - Thanh Oai (44 ca).

Ngoài ra, thành phố cũng ghi nhận 201 trường hợp mắc tay chân miệng, giảm so với cùng kỳ năm 2019. Bệnh nhân bắt đầu gia tăng nhanh trong 2 tuần gần đây, đồng thời đã ghi nhận các ổ dịch tại các trường mầm non và tại các khu chung cư.

Sốt xuất huyết, tay chân miệng tăng nhanh tại Hà Nội - 1
Đặc trưng của tay chân miệng là các mụn nước ở niêm mạc miệng, tay, chân...

Đặc biệt vẫn ghi nhận 15 ca bệnh sởi, giảm nhiều so với cùng kỳ 2019. Hầu hết các trường hợp mắc bệnh đều chưa được tiêm phòng hoặc tiêm phòng chưa đầy đủ (10 trường hợp chiếm 67%).

Theo nhận định của Sở Y tế, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn thành phố cơ bản đang được kiểm soát tốt, đặc biệt là dịch bệnh Covid-19. Tuy vậy, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp, nguy cơ bùng phát làn sóng dịch thứ 2 là hoàn toàn có thể xảy ra. Trong bối cảnh nhà nước từng bước mở cửa, giao thương trở lại với quốc tế để phát triển kinh tế xã hội, đây sẽ là thách thức lớn trong công tác phòng chống dịch. 

Đối với các dịch bệnh lưu hành khác như sởi, sốt xuất huyết, tay chân miệng, ho gà, viêm não Nhật Bản... mặc dù ghi nhận số mắc giảm so với cùng kỳ năm 2019 nhưng lại đang có xu hướng gia tăng nhanh trong những tuần gần đây. Vì thế nguy cơ bùng phát dịch trên địa bàn thành phố là hiện hữu nếu không có sự vào cuộc của các cấp chính quyền, sự phối hợp của các ban ngành đoàn thể với ngành y tế để triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch. 

Vì thế, Sở Y tế yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố, Trung tâm y tế các quận, huyện tiếp tục thực hiện quản lý tốt người nhập cảnh để phòng chống dịch Covid-19 xâm nhập đặc biệt là những người là nhà đầu tư, chuyên gia kỹ thuật, lao động tay nghề cao, nhà quản lý doanh nghiệp nhập cảnh để làm việc. Chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan như công an, người dân, ban ngành đoàn thể để rà soát phát hiện và tổ chức cách ly kịp thời người nhập cảnh trái phép không khai báo, không được cách ly sau khi nhập cảnh.

Đồng thời, triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết; thực hiện triệt để các chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy với mục tiêu tất cả các hộ gia đình, khu công cộng, cơ quan, xí nghiệp, trường học được kiểm tra vệ sinh môi trường định kỳ thường xuyên. Đặc biệt là tại khu vực có bệnh nhân, thực hiện phương châm vào từng ngõ, gõ từng nhà, lực lượng cộng tác viên, đội xung kích kiểm tra từng hộ gia đình để hướng dẫn, giám sát hoạt động diệt gọ gậy. 

Bên cạnh đó, duy trì tiêm chủng hàng tuần tại trạm y tế xã, phường, thị trấn, hạn chế việc tiêm muộn, hoãn tiêm. Phối hợp với ngành giáo dục tổ chức tốt các biện pháp phòng chống dịch bệnh trong trường học, đặc biệt là tại các trường mầm non.

Hà An