Sốt nhẹ, mũi xanh đặc có cần dùng kháng sinh?

(Dân trí) - Thưa bác sĩ, con tôi 10 tuổi, sốt tầm 38,5 độ C. Đi khám tại bệnh viện, bác sĩ nói mủ trong họng do từ mũi chảy xuống, chỉ kê hạ sốt, vệ sinh mũi và dặn tái khám sau 3 ngày nếu còn sốt. Tôi thì sốt ruột vì mũi con xanh lè, rồi đau họng nuốt nước bọt cũng nhăn nhó.

Chồng tôi sốt ruột không kém, cứ thúc không có kháng sinh con không khỏi nổi. Bé ngoài triệu chứng sốt hâm hấp, đau họng không có triệu chứng gì đặc biệt hơn. Tôi có nên mua kháng sinh cho con uống không?

Nguyễn Hải Tú (Hà Đông, Hà Nội)

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai) trả lời:

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai). Ảnh: H.Hải
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai). Ảnh: H.Hải

Trước tiên, chị đã cho con đi khám bác sĩ, bác sĩ đã khám và đưa ra chỉ định, không kê kháng sinh bởi trường hợp của bé chưa cần thiết phải dùng kháng sinh. Chị nên tuân thủ theo hướng dẫn điều trị của bác sĩ, nếu có bất thường gì đưa trẻ đến viện ngay.

Cũng như vợ chồng chị, rất nhiều nhiều người nghĩ trẻ con sốt, chảy nước mũi đặc, dịch xanh vàng là do nhiễm khuẩn nên phải dùng kháng sinh, thực tế chưa cần thiết.

Thực tế, các trường hợp nhiễm khuẩn hô hấp trên đến 70 – 85% là do vi rút, chỉ 10-15% là do vi khuẩn. Điều này có nghĩa, cứ 10 trẻ viêm họng thì 7 – 8 trường hợp không phải dùng kháng sinh mà chỉ điều trị triệu chứng.Việc dùng kháng sinh trong các trường hợp này không mang lại nhiều giá trị điều trị, còn làm trẻ mệt, thậm chí rối loạn tiêu hóa do tác dụng phụ của kháng sinh.

Theo đó, nếu trẻ sốt thì điều trị hạ sốt; ho thì dùng thuốc ho, thuốc long đờm; nghẹt, sổ mũi thì dùng nước muối biển, thuốc làm co mạch hoặc kháng histamin. Kháng sinh không sử dụng trong những trường hợp này và trên thế giới, phác đồ điều trị viêm họng do vi rút cũng không sử dụng kháng sinh.

Ngay cả những trường hợp mũi đã chuyển màu xanh, vàng, mũi đặc… cũng không có chỉ định dùng kháng sinh. Lúc này, biện pháp điều trị hiệu quả nhất là rửa mũi, súc họng bằng nước muối. Hãy lưu ý rửa mũi cho trẻ 4 - 5 lần mỗi ngày. Trước khi xịt mũi, hãy ngâm lọ xịt trong nước ấm để làm tan giá.

Tuy vậy, tiến sĩ Dũng lưu ý cần theo dõi sát sao trẻ, nếu có biểu hiện nặng lên thì phải đưa trẻ khám kịp thời.

Theo đó, nếu bệnh nhân có sốt trên 38,5 độ C, sưng đau hạch cổ, đau đầu, nốt xuất huyết ở vòm, đau bụng, chất xuất tiết ở họng, amidan cho thấy khả năng lớn bệnh nhi viêm họng do liên cầu tan huyết beta -nhóm A. Lúc này trẻ sẽ phải sử dụng kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ. Việc dùng kháng sinh phải theo chỉ định, với mục tiêu khỏi bệnh lâm sàng tối đa, vi khuẩn chết không thể đột biến, giảm thiểu kháng thuốc.

Ngoài ra bố mẹ cũng cần lưu ý cho trẻ uống đủ liều kháng sinh. Thực thế nhiều người khi cho con uống thuốc sau 2 – 3 ngày thấy đỡ liền dừng thuốc. Đây là một điều rất nguy hiểm bởi khi uống thuốc, vi khuẩn đang bị yếu dần đi (chưa chết hẳn), lúc này ngừng thuốc, vi khuẩn không bị tiêu diệt, sống lại và dần có sức đề kháng với chính loại kháng sinh đang uống, từ đó gây nên tình trạng kháng thuốc rất nguy hiểm.

Hồng Hải (ghi)