1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Sống trong ổ dịch, 25% người lành mang khuẩn tả

(Dân trí) - Theo PGS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, tỷ lệ người lành mang khuẩn tả khoảng 50 - 75%. Còn trong đợt dịch này, xét nghiệm bệnh phẩm của những người liên quan đến ổ dịch cho thấy, tỷ lệ người lành mang trùng là 17%, có nơi 20-25%.

Vì sao không biểu hiện bệnh?

Mới đây, Hà Nội phát hiện được 146 người lành mang khuẩn phẩy tả nhưng trên thực tế, con số này có thể cao hơn nhiều. Không riêng gì Hà Nội, mà chắc chắn, nhiều tỉnh đang có bệnh nhân tiêu chảy cấp nguy hiểm cũng có rất nhiều người lành mang phẩy khuẩn tả.

PGS.TS Nguyễn Trần Đáng cho biết, người lành mang trùng là những người có vi khuẩn tả trong người nhưng vẫn khoẻ mạnh, lao động bình thường. Đây là nguồn bệnh tiềm tàng nguy hiểm vì số lượng rất đông mà không ai biết, hằng ngày vẫn thải vi khuẩn ra ngoài qua phân và chất nôn. Nếu phân và chất nôn này không được xử lý triệt để sẽ là nguồn lây bệnh cho cộng đồng.

Một câu hỏi đặt ra: tại sao họ cũng mang vi khuẩn tả trong người mà không biểu hiện bệnh như những người mắc bệnh, đó là đi ngoài ồ ạt?

Ông Nguyễn Quốc Triệu, Bộ trưởng Bộ Y tế từng phát biểu tại cuộc họp giao ban bất thường về dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm hôm 9/4, cho rằng: Chỉ khi hàng vạn con vi khuẩn tả thâm nhập vào người, mới có thể gây bệnh, thấp hơn không thể gây bệnh. Và cũng tuỳ cơ địa từng người mà số lượng vi khuẩn tả đến mức nào thì gây nên hiện tượng tiêu chảy cấp ồ ạt, liên tục.

Như vậy, những người lành mang trùng phẩy khuẩn tả trong người nhưng chưa tới “ngưỡng” để gây bệnh. Nếu những người này ăn phải thức ăn nhiễm vi khuẩn tả, đạt đến số lượng nhất định, cộng với vi khuẩn tả đang có sẵn trong người thì cũng sẽ phát bệnh. Cũng như những người không mang khuẩn phẩy tả nhưng ăn phải thức ăn nhiễm vi khuẩn này, nếu số lượng nhiều bệnh sẽ biểu hiện ngay, còn với số lượng vừa phải, họ tức khắc trở thành người lành mang vi khuẩn và sẽ là nguồn lây cao nếu phân, chất thải của họ không được xử lý sạch trước khi thải ra môi trường.

Nhiều người lành mang trùng, chưa biểu hiện tiêu chảy, nhưng do ăn thịt chó kèm lá mơ, rau ngổ lập tức bị đi ngoài ồ ạt. Nguyên nhân là do rau ngổ và lá mơ chứa hàng triệu vi khuẩn, mà trong đó 90% là vi khuẩn đường ruột (Coliforms). Vì thế, nếu ăn từ vài chục gram các loại rau trên  thì bị bệnh tiêu chảy cấp là điều chắc chắn. Nếu ăn phải rau ngổ lấy từ ao hồ bị nhiễm phân tươi thì mắc tả là điều dễ hiểu.

Tại TPHCM, chị Nguyễn Thị Nghiêm, con gái của bệnh nhân bị tả đầu tiên, qua xét nghiệm phân cũng thấy dương tính với phẩy khuẩn tả. Anh Phụng, chủ khu nhà trọ, nơi mẹ con chị Nghiêm thuê ở cũng dương tính với phẩy khuẩn tả. Tuy nhiên, 2 người này hoàn toàn khoẻ mạnh, không biểu hiện tiêu chảy, vẫn ăn uống, lao động bình thường. Đây chính là những người lành mang phẩy khuẩn tả.

Theo PGS.TS Nguyễn Trần Hiển, không phải người nhiễm khuẩn nào cũng bị bệnh. 100 người mang trùng bệnh thì chỉ 5 - 10 người có biểu hiện tiêu chảy và cũng tùy vào cơ địa của mỗi người. Người bị nặng có biểu hiện đi tiêu ồ ạt gây mất nước mất, nếu không bù kịp có thể tử vong. Người nhẹ thì đi tiêu vài lần, khi cơ thể đã đào thải hết vi khuẩn tả ra ngoài thì cũng hết bệnh.

Khó kiểm soát người lành mang trùng

Người lành mang trùng tuy không biểu hiện bệnh nhưng họ có thể lây qua người khác. Theo PGS.TS Trần Đáng, mỗi người lành mang trùng có thể "xả" vi khuẩn tả qua đường phân tới vài tháng. Mỗi lần đi ngoài trung bình thải ra 300 - 500g phân, mỗi gam phân có từ 10 triệu đến 1 tỷ vi khuẩn E.Coli. Về mùa đông mỗi người thải ra hàng ngày 120 - 125 tỷ con vi khuẩn E.Coli, về mùa hè thải ra đến 400 tỷ con. Có E.Coli là sẽ có các vi khuẩn đường ruột khác như tả, lỵ, thương hàn vì E.coli là vi khuẩn chỉ điểm cho tình trạng nhiễm vi khuẩn đường ruột.

Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cũng đã khẳng định: Hiện Hà Nội chưa kiểm soát được nguồn lây lan dịch tả qua số người lành mang trùng. Hiện chỉ mới kiểm soát được 146 người lành mang trùng, giám sát và điều trị như những bệnh nhân có biểu hiện lâm sàng, dương tính với phẩy khuẩn tả. Còn trên thực tế, số người lành mang trùng rất nhiều, họ đi lại, giao lưu tới các vùng miền khác, nếu chất thải không được xử lý, sẽ lại là nguồn lây bệnh.

Hơn nữa, việc đi lại, giao lưu giữa các tỉnh, việc lao động tự do tập trung ở các thành phố lớn… khiến việc phát hiện, quản lý được tất cả người lành mang trùng là vô cùng khó. Trong khi đó, tỷ lệ người lành mang vi khuẩn khoảng 50 - 75% trong nhóm những người liên quan đến ổ dịch.

Vì thế, chỉ có cách kêu gọi ý thức người dân. Vi khuẩn tả chết ở nhiệt độ 70 - 80 độ C nên ăn chín, uống sôi là biện pháp tốt phòng bệnh tả. Ngoài ra, cần có ý thức không phóng uế bừa bãi, vệ sinh môi trường sạch sẽ, ngăn chặn được sự lây lan của dịch bệnh.

Hồng Hải