Sốc người đàn ông tự chặt đứt ngón tay khi bị rắn cắn

(Dân trí) - Các bác sĩ cho biết một người đàn ông ở Trung Quốc đã tự chặt đứt ngón tay trỏ của mình sau khi bị rắn cắn vì nghĩ điều đó sẽ giúp cứu tính mạng của chính mình song thực tế điều này không cần thiết.

Người đàn ông tên Zhang, 60 tuổi, bị rắn cắn vào ngón tay trỏ trong khi làm việc trên núi. Loại rắn cắn bệnh nhân có tên là Deinagkistrodon acutus, thuộc họ rắn lục.

Loài rắn này được tìm thấy ở Đông Nam Trung Quốc. Chúng thích sống trong môi trường có bóng râm trong rừng hoặc giữa các tảng đá trong thung lũng.

Nọc độc của loài rắn này có thể làm tổn thương con người. Tuy nhiên, nó cũng được sử dụng để điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp và đau ở gân, xương.

Sốc người đàn ông tự chặt đứt ngón tay khi bị rắn cắn - 1
Bệnh nhân tự chặt đứt ngón trỏ bị rắn cắn vì lầm tưởng điều đó giúp cứu tính mạng.

Không phải tất cả các vết rắn cắn đều dẫn đến tử vong. Tuy nhiên người đàn ông này nghe nói người bị rắn cắn có thể chết ngay lập tức nên đã tự chặt ngón tay của mình bằng dao, theo AsiaWire.

“Tôi đã chặt ngón tay để cứu tính mạng của mình”, bệnh nhân nói với bác sĩ điều trị Yuan Chengda.

Bác sĩ Yuan, Trưởng khoa Da liễu, Bệnh viện Y học cổ truyền Hàng Châu, Trung Quốc cho biết hành động của bệnh nhân thực sự không cần thiết. Họ đã có thể nối lại ngón tay nếu bệnh nhân mang nó theo đến viện.

Bác sĩ Yuan chia sẻ với AsiaWire về những cách xử trí sai lầm của người bị rắn cắn. Theo đó, một số tự cắt ngón tay, ngón chân của mình. Một số lại buộc dây quanh tay, chân. Thậm chí có người tự thiêu phần bị rắn cắn, khi đến bệnh viện thì phần tay, chân đó thường bị hoại tử.

Theo bác sĩ Yuan rất nhiều người bệnh lầm tưởng bị rắn có thể dẫn đến cái chết ngay lập tức. Thực tế, trong phần lớn các trường hợp nếu bệnh nhân được cấp cứu và điều trị kịp thời (trong vòng 6 giờ kể từ khi bị cắn) thì các vết cắn không dẫn đến tử vong.

Sốc người đàn ông tự chặt đứt ngón tay khi bị rắn cắn - 2
Loài rắn cắn bệnh nhân thuộc họ rắn lục, khá phổ biến.

Có rất nhiều loại rắn độc và mỗi loại có cơ chế gây độc khác nhau nên tùy theo loại rắn độc mà có biện pháp sơ cứu cũng như hướng điều trị khác nhau. Mục đích của việc sơ cứu khi bị rắn cắn là để nọc độc của rắn từ vết cắn xâm nhập vào trong cơ thể chậm hơn và ít hơn.

 Người dân không nên cố gắng hút nọc độc của rắn, chích, rạch, châm, chọc tại vùng vết cắn, gây điện giật, chườm đá… Thay vào đó, động viên bệnh nhân yên tâm, đỡ lo lắng. Không để bệnh nhân tự đi lại, bất động chân, tay bị rắn cắn bằng nẹp (vận động làm cho nọc độc xâm nhập vào trong cơ thể nhanh hơn). Áp dụng biện pháp băng ép bất động với một số loại rắn hổ (rắn cạp nong, cạp nia, hổ mang chúa, rắn biển và một số giống rắn hổ mang thường.

Vận chuyển bệnh nhân bằng phương tiện đến cơ sở y tế đồng thời duy trì băng ép, bất động. Nếu bệnh nhân khó thở thì hô hấp nhân tạo (hà hơi thổi ngạt hoặc bằng phương tiện y tế có tại chỗ như bóp bóng, máy thở xách tay...).

Bất cứ trường hợp nào bị rắn cắn, ngay cả khi xác định là rắn lành đều cần xử trí và theo dõi tại bệnh viện như rắn độc cắn, ít nhất trong 12 giờ đầu. Bệnh nhân đến bệnh viện trễ sau 12-24 giờ, kết quả điều trị rất kém hoặc không hiệu quả.

Để đề phòng rắn cắn, cố gắng đi ủng, dày cao cổ và quần dài, đặc biệt khi đi trong đêm tối, đội thêm mũ rộng vành nếu đi trong rừng hoặc đi ở khu vực nhiều cây cỏ. Dùng đèn nếu ở trong bóng tối hoặc vào ban đêm. Càng tránh xa rắn thì càng tốt, không đe dọa rắn, không cầm, không trêu rắn ngay cả khi rắn đã chết. Đầu rắn đã chết vẫn có thể cắn người. Không bắt rắn, đuổi hoặc dồn ép rắn trong khu vực khép kín.

Không nằm ngủ trực tiếp trên nền đất. Không để trẻ em chơi gần khu vực có rắn. Không sống ở gần các nơi rắn thích cư trú hoặc thích đến như đống gạch vụn, đống đỏ nát, đống rác, tổ mối, nơi nuôi các động vật của gia đình.

Hà An (theo Foxnews)