Sơ cứu trẻ nhỏ bị dị vật đường thở

(Dân trí) - Khi trẻ bị hóc, sặc, sơ cứu đúng cách sẽ giúp hạn chế, giảm thiểu được những biến chứng không đáng có.

  
Sơ cứu trẻ nhỏ bị dị vật đường thở - 1

Vỗ lưng là phương pháp thường được áp dụng khi trẻ hóc dị vật

 

Khi trẻ nhỏ bị dị vật đường thở, dấu hiệu nhận biết thường dựa vào tình trạng dị vật gây tắc nghẽn đường thở không hoàn toàn hoặc tắc nghẽn đường thở hoàn toàn.

 

Nếu bị tắc nghẽn đường thở không hoàn toàn, trẻ nhỏ thường có triệu chứng ho và cố ho, khạc để tống dị vật ra ngoài. Có thể có biểu hiện khó thở hoặc thở bất thường.

 

Nếu bị tắc nghẽn đường thở hoàn toàn, trẻ nhỏ không nói được, tay ôm lấy cổ; ở trong tình trạng khó thở, cố gắng thở, mắt trợn ngược, vẻ mặt hoảng hốt. Mặt của trẻ đỏ bừng, mạch máu ở cổ nổi phồng; môi và lưỡi bị tím tái dần.

 

Đối với trẻ nhỏ từ 1 - 8 tuổi, thường áp dụng phương pháp sơ cấp cứu vỗ lưng và ép bụng để dị vật được tống xuất ra ngoài. Nếu thực hiện không có kết quả phải chuyển ngay trẻ nhỏ đến bệnh viện để được cấp cứu kịp thời.

 

Phương pháp vỗ lưng được thực hiện bằng 2 cách:

 

- Cách thứ nhất: người sơ cứu ngồi, đặt trẻ nằm vắt ngang qua đùi người sơ cứu ở tư thế cổ ngửa, đầu thấp hơn ngực. Vỗ vào lưng 5 lần ở vị trí giữa hai xương bả vai của trẻ, đồng thời kiểm tra dị vật  đường thở có được tống xuất ra ngoài không.

 

- Cách thứ hai: người sơ cứu quỳ, cho trẻ đứng, cúi đầu thấp, miệng há ra. Người sơ cứu quỳ một bên trẻ, 1 tay đỡ ngực, 1 tay vỗ 5 lần vào lưng trẻ ở vị trí giữa hai xương bả vai và kiểm tra dị vật đã được tống xuất ra ngoài chưa. Sau khi thực hiện phương pháp vỗ lưng, nếu dị vật chưa ra, có thể dùng phương pháp ép bụng, còn được gọi là phương pháp Heimlich.

 

Phương pháp ép bụng hay phương pháp Heimlich được thực hiện bằng cách cho trẻ đứng, đầu cúi thấp, miệng há ra. Người sơ cứu quỳ ở phía sau trẻ, vòng 2 tay về phía trước bụng của trẻ, 1 tay người sơ cứu nắm lại đặt vào vị trí điểm giữa rốn và mũi xương ức, bàn tay còn lại nắm bọc ra ngoài bàn tay kia cho chặt lại. Sau đó ép bụng đột ngột 5 lần từ trước ra sau, từ dưới lên trên.

Nếu dị vật đường thở chưa được tống ra ngoài, cần làm xen kẽ hai phương pháp vỗ lưng và ép bụng nêu trên cho đến khi dị vật được tống ra ngoài.

 

Nếu dị vật đường thở vẫn chưa được tống xuất ra ngoài và trẻ nhỏ có dấu hiệu bất tỉnh thì phải xử trí như các trường hợp trẻ bị bất tỉnh, đồng thời tìm mọi cách đưa trẻ nhỏ đến ngay bệnh viện càng sớm càng tốt. Nên nhớ rằng dị vật đường thở nếu không được lấy ra kịp thời sẽ làm cho trẻ nhỏ bị ngạt thở và có thể dẫn đến tử vong.

 

TTƯT.BS. Nguyễn Võ Hinh