1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Sơ cứu sai cách, trẻ phỏng nhẹ thành nặng

Nhiều trường hợp trẻ bị phỏng nhẹ nhưng phải nhập viện điều trị vì gia đình không biết cách sơ cứu ban đầu.

Ngày 21/10, khoa Phỏng - Tạo hình BV Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho biết gần đây hơn 40 giường bệnh của khoa luôn trong tình trạng kín chỗ. “Trung bình mỗi ngày BV Nhi đồng 1 tiếp nhận 10 trẻ bị phỏng do lửa, nước sôi, điện… vì sự bất cẩn của người lớn, phân nửa số ca nặng phải nhập viện điều trị. Trong đó phỏng do nước sôi và lửa chiếm tỉ lệ cao nhất”. BS Đặng Thị Thanh Thúy, Phó Trưởng khoa này, cho biết như trên.

“Con đau quá nội ơi! Sao con bị quấn vải ở bụng và chân hả nội?” - tại khoa Phỏng BV Nhi đồng 1, bé HVT (năm tuổi, ở Hậu Giang) tròn xoe đôi mắt nhìn ông nội hỏi ngây ngô.

Nội bé T. kể: “Hôm đó vợ tôi nấu nồi lẩu cá khá to. Nồi lẩu nấu dưới đất, sôi sùng sục. Cách đó không tới 1 m là kệ gỗ, trên đó mấy cháu nhỏ đang ngồi chơi”. Bà nội bé T. vừa canh lửa vừa để mắt tới đàn cháu. Bà vừa xoay người sang trái tranh thủ lặt mớ rau thơm. Bỗng bà nghe cái rầm và tiếng thét thất thanh. Nhìn lại, bà thấy T. nằm sóng soài trên đất, nồi nước lẩu úp trên lưng và hai đùi. Cả nhà quýnh quáng cởi hết quần áo rồi đưa T. tới bệnh viện địa phương. Năm ngày sau T. được chuyển lên BV Nhi đồng 1.

Bé HVT bị cột chân tay, bị băng bó vì phỏng nước nấu lẩu. Ảnh: TRẦN NGỌC
Bé HVT bị cột chân tay, bị băng bó vì phỏng nước nấu lẩu. Ảnh: TRẦN NGỌC

Theo BS Thúy, T. bị phỏng 45% diện tích cơ thể. Lưng, đùi bị phỏng độ 2 và 3 (độ 4 là nặng nhất). Khi vào bệnh viện, T. lơ mơ do nhiễm trùng huyết quá nặng. “Các bác sĩ tiên đoán 80% bé sẽ tử vong do nhiễm trùng. Nếu T. được gia đình sơ cứu ban đầu bằng cách xối nhiều nước lạnh, không cởi quần áo thì vết phỏng không nhiễm trùng nhiều như vậy” - BS Thúy nói.

“T. được bác sĩ cho thở máy, xử lý nhiễm trùng huyết và ghép da, rất may đã qua cơn nguy kịch. Khoảng một tháng sau cháu sẽ xuất viện” - BS Thúy cho biết.

Một trường hợp khác là bé THM (ba tuổi, quê Long An) cũng nhập viện do bị phỏng điện. Sau khi M. bị điện giật, gia đình cảm thấy tay cháu vẫn bình thường nên không kiểm tra.

“Vài ngày sau, M. liên tục quơ tay phải trước mặt tôi than đau. Nhìn kỹ tôi thấy ngón cái và ngón trỏ bị sưng, cứng, màu da khác thường. Đưa con vô BV Nhi đồng 1, tôi tá hỏa khi nghe bác sĩ nói hai ngón tay của cháu bị hoại tử, phải tháo khớp” - mẹ bé M. mếu máo khóc.

BS Thúy cho biết trong trường hợp này, nhìn bề ngoài chỗ mới bị phỏng vẫn bình thường. Tuy nhiên, để lâu ngón tay sẽ bị cứng, sưng, dẫn đến hoại tử. Nếu gia đình đưa M. đến bệnh viện ngay khi bị nạn thì khả năng cứu ngón tay rất cao.

Sơ cứu ban đầu khi trẻ bị phỏng

Khi trẻ bị phỏng, việc sơ cứu ban đầu là rất cần thiết để vết phỏng không ăn sâu vào trong, tránh nhiễm trùng máu và những biến chứng nguy hiểm.

Trẻ phỏng nước sôi và lửa, điều đầu tiên là không được cởi quần áo vì da trẻ có thể bị lột, rất dễ nhiễm trùng. Sau đó, dội nước sạch liên tục 5-10 phút để làm mát vết phỏng rồi nhanh chóng đưa trẻ tới bệnh viện.

Trẻ phỏng điện rất dễ bị ngất, ngưng thở. Do đó, sau khi cắt dòng điện thì điều đầu tiên là hô hấp nhân tạo tại chỗ cho trẻ. Khi trẻ tỉnh táo thì tiếp tục sơ cứu vết phỏng. Có hai loại phỏng điện: Phỏng do tia lửa điện và phỏng do dòng điện. Trẻ bị phỏng tia lửa điện thì sơ cứu như trẻ bị phỏng lửa. Trẻ bị phỏng do dòng điện không gây vết thương bên ngoài nên dễ “đánh lừa” khiến phụ huynh cảm thấy an tâm. Tuy nhiên, vài ngày sau chỗ bị phỏng sẽ sưng, cứng và gây hoại tử. Do vậy, trẻ bị phỏng do dòng điện cũng cần được cha mẹ đưa tới bệnh viện sớm để bác sĩ theo dõi.

BS ĐẶNG THỊ THANH THÚY

Phó Trưởng khoa Phỏng-Tạo hình BV Nhi đồng 1 (TP.HCM)