Sơ cứu khi không có bác sĩ

(Dân trí) - Có rất nhiều tai nạn xảy ra trong cuộc sống hàng ngày mà vì không biết cách xử lý, hay xử lý không đúng trước khi đưa được bệnh nhân đến bệnh viện đã dẫn tới những hậu quả đáng tiếc, thậm chí gây tử vong.

Những kiến thức sơ cứu một số tai nạn thường gặp dưới đây sẽ giúp bạn đọc biết cách xử lý đúng khi không có bác sĩ. Điều này lại càng cần thiết với những người đi công tác, hoặc sống ở những vùng hẻo lánh, xa xôi, phải mất nhiều giờ mới tới được các cơ sở y tế.

 

1. Cầm máu vết thương

 

Trước hết cần nâng cao phần bị thương lên, rồi dùng gạc, khăn sạch bịt chặt cho đến khi máu ngừng chảy. Nếu máu vẫn tiếp tục chảy, phải  buộc chặt phần trên của vết thương, thắt chặt bằng khăn gấp bản rộng hay thắt lưng, tuyệt đối không dùng dây thừng hoặc dây thép. Lưu ý chỉ buộc ở tay và chân. Khoảng 30” lại nới lỏng chỗ buộc ra một chút để xem máu có cầm không và để máu lưu thông. Nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bệnh viện. Nếu bị thương nặng, trong quá trình vận chuyển, cố gắng để cao chân, thấp đầu để tránh bị sốc.

 

2. Điện giật

 

Có thể làm liệt trung khu hô hấp, nếu nặng sẽ vừa làm ngừng tim, vừa ngừng thở, nếu nhẹ sẽ khiến ngừng tim trong một thời gian ngắn, lên cơn co giật, mê sảng v.v... Lúc này cần ngắt dòng điện ngay lập tức bằng các vật cách điện như gậy, que gỗ, chú ý bệnh nhân có thể ngã đập mạnh xuống sàn khi ngắt điện. Nếu bệnh nhân vẫn còn thở và tim vẫn đập, chỉ mê man bất tỉnh cần được kích thích bằng cách gọi nhiều lần, giật tóc, vã nước vào mặt.

 

3. Ngừng thở

 

Do tai nạn hoặc biến chứng đột ngột của bệnh với các triệu chứng như bất tỉnh, co giật, xanh xám toàn thân, da lạnh, mất mạch. Bệnh nhân phải được cấp cứu ngay, không được chậm một phút nào và phải được cấp cứu liên tục, không gián đoạn. Các biện pháp gồm có:

 

- Xoa bóp tim: Đặt bệnh nhân nằm ngửa trên một nền cứng, đầu thấp, chân gác cao. Người làm xoa bóp quỳ ở bên phải bệnh nhân, đặt lòng bàn tay trái ở 1/3 dưới xương ức bệnh nhân, lòng bàn tay phải đặt lên trên tay trái. Dùng sức mạnh của 2 tay và cơ thể ấn mạnh, nhịp nhàng 60 lần/phút, không ấn lên xương sườn. Lực ấn phải đủ cho xương ức và lồng ngực bệnh nhân xẹp xuống khoảng 4 cm. Nếu thấy sắc mặt bệnh nhân hồng hơn, đồng tử không giãn to, mỗi lần ấn, sờ thấy động mạch bẹn đập thì việc xoa bóp đã có hiệu quả. Không được xoa bóp tim nếu bệnh nhân bị thương nặng ở lồng ngực, ứ máu. Xoa bóp tim có thể gây gẫy xương sườn, rất hiếm khi gây gẫy xương ức, vỡ gan, vỡ lách, chảy máu ngoài màng tim, màng phổi.

 

- Thổi ngạt: Người thổi ngạt quì bên trái, gần đầu bệnh nhân. Lau sạch mồm, họng, lấy hết dị vật, răng giả, thức ăn, đờm dãi của bệnh nhân. Độn gối dưới cổ bệnh nhân sao cho cổ ưỡn tối đa, kéo mạnh hàm dưới ra phía trước và lên trên để lưỡi không tụt sau bịt khí quản. Bóp mũi bệnh nhân bằng ngón cái và ngón trỏ, đặt lớp gạc mỏng ở miệng bệnh nhân cho há to. Hít thật sâu rồi áp vào mồm bệnh nhân thổi mạnh, dài hơi khiến lồng ngực bệnh nhân nở rộng ra, mỗi phút thổi 15 lần như thế. Tốt nhất là có 2 người cấp cứu để phối hợp ấn tim với thổi ngạt theo tỷ lệ : 4 lần ấn tim/1 lần thổi ngạt. Trong quá trình thổi ngạt, nên lau đờm dãi cho bênh nhên thường xuyên để đường hô hấp được lưu thông. Còn nếu chỉ có một người thì cứ 15 lần ấn tim lại 2 lần thổi ngạt thật mạnh, thật sâu. Khi bệnh nhân bị nôn, co giật hoặc cứng hàm thì có thể thổi vào mũi, bệnh nhân là trẻ nhỏ thì thổi cả mũi cả mồm.

 

4. Rắn cắn

 

Các loại rắn hổ mang, rắn ráo có độc tố thần kinh, chỗ rắn cắn loại này không đau lắm nhưng chân tê bại, mệt mỏi cao độ, buồn ngủ, muốn ngất, nấc, nôn, dần dần mạch yếu đi, huyết áp tụt, khó thở, hôn mê rồi tử vong sau 6 giờ. Còn rắn lục cắn có độc tố gây xuất huyết, các chi đau dữ dội, da đỏ bầm, có nhiều đám xuất huyết, chỗ bị rắn cắn phù nề. Sau 30” đến 1 giờ bệnh nhân sẽ nôn, ỉa lỏng, ngất. Cần được cấp cứu như sau: Buộc chặt phía  trên chỗ bị cắn, chú ý không thắt chặt quá, không để lâu quá 30 phút. Rạch nhẹ da ở vết cắn, có thể dùng mồm để hút máu  ở vết cắn ra. Dùng dầu long não bôi lên vết cắn, uống chè nóng để trợ tim mạch, nếu ngạt phải được hỗ trợ hô hấp. Bệnh nhân sau đó cần phải được đưa đến bệnh viện càng sớm càng tốt để được xử lý bằng các biện pháp y tế như tiêm dưới da xung quanh vết rắn cắn, truyền tĩnh mạch, tiêm huyết thanh kháng uốn ván, kháng sinh, chống sốc và dị ứng, thở oxy v.v... Nếu bị rắn cắn mà sau 15 - 30 phút không thấy đau, không phù, chi bị cắn không tê bại thì không phải rắn độc cắn.

 

 Một số phương pháp dân gian:

 

- Vết thương chảy máu có thể dùng phần trắng trên thân cây mía rắc lên để cầm máu.

 

- Khi bị rắn độc cắn, cấp tốc buộc phía trên vết thương cho độc tố khỏi lan rộng trong cơ thể, chích vết thương và hút, nặn sạch máu. Giã hạt đu đủ còn non đắp vào. Cũng có thể lấy củ ráy giã nát khoảng 10-20gr. Một nửa đắp lên vết cắn, một nửa hòa vào nước cho uống. Nếu vết cắn đã được chữa trị mà sau vài ngày vẫn còn đau nhức, khó chịu thì lấy hạt vừng sống, nhai nát nhuyễn đắp vào, sẽ đỡ đau.

 

Kiều Nga

(Tổng hợp)