Sinh mổ sớm, chưa phúc đã... họa!

Mỗi năm, Khoa Hồi sức Sơ sinh Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM cấp cứu khoảng 30 trẻ suy hô hấp nặng do sinh mổ sớm. Còn Khoa Vật lý trị liệu hằng năm điều trị cho khoảng 400 trẻ rối loạn vận động do sinh mổ.

Đặc biệt trong những “năm may mắn” như Quý Mùi, số sản phụ mổ chọn giờ tăng đến 600 ca! Theo bác sĩ Lê Thị Hoàng Yến, Bệnh viện (BV) Từ Dũ TPHCM, có đến 50% trẻ sinh non tháng bị bất thường về vận động. Thế nhưng bất chấp điều này, xu hướng sinh mổ chủ động sớm vẫn gia tăng.

 

101 lý do

 

Chị L.T.T.N, 28 tuổi, ngụ tại quận 7 - TPHCM, mang thai con đầu lòng được 36 tuần. Theo tính toán của gia đình nhà chồng, chị phải sinh con vào một ngày đã chọn và đúng 11 giờ đêm nên chị muốn được bác sĩ BV Từ Dũ mổ bắt con. Do thai nhi chưa đủ tuổi, tính đến ngày sinh chỉ 37 tuần nên bác sĩ khuyên chị nên đợi thêm, thai được 39 tuần sẽ an toàn hơn. Tuy nhiên, bất chấp những phân tích của bác sĩ về những bất lợi cho sức khỏe của con, chị vẫn chấp nhận sinh mổ sớm và còn nói “sinh giờ khác, có chuyện gì xảy ra bác sĩ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm”!

 

Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, nguyên giám đốc BV Từ Dũ, cho biết có nhiều nguyên nhân để sản phụ chọn sinh mổ như chuyển dạ khó khăn, thai to, chọn “giờ vàng” để con ra đời được hạnh phúc như lời thầy bói phán (!?) hoặc nếu sinh vào giờ khác cả mẹ lẫn con sẽ gặp tai biến... Do vậy, các bác sĩ sản khoa chịu sức ép rất lớn từ phía gia đình sản phụ vì hiện nay mỗi gia đình có ít con, đặt kỳ vọng rất lớn vào đứa trẻ.

 

Tại Khoa Sản A BV Từ Dũ, có không ít trường hợp dù chưa có dấu chuyển dạ nhưng sản phụ vẫn nằng nặc xin nhập viện chờ sinh vì mới sinh con lần đầu, chưa có kinh nghiệm chuyển dạ. Sau khi được bác sĩ thăm khám, biết còn khá lâu mới sinh, họ vẫn muốn được sinh sớm hoặc ở lại BV để “nếu có chuyện gì còn có sẵn bác sĩ giúp đỡ”. Bác sĩ Huỳnh Thị Thu Thủy, Phó Giám đốc BV Từ Dũ, cho biết do một số thai phụ không theo dõi thai kỳ nên không biết tuổi thai. Nếu khám thai định kỳ, từ tháng thứ 3 thai phụ sẽ được bác sĩ cho biết ngày dự sinh và theo dõi tim thai để đến BV sinh đúng lúc.

 

Phổi trẻ bị nhiều đe dọa

 

Từ đầu tháng 10 đến nay, Khoa Hồi sức Sơ sinh BV Nhi Đồng 1 đã cấp cứu 3 trẻ sơ sinh suy hô hấp do sinh mổ sớm. Trong đó, có một bé trai sau 12 ngày vẫn phải thở máy vì thai được mổ chỉ 36 tuần. Ngay khi vừa chào đời, trẻ này đã suy hô hấp, tím tái, khó thở, mặc dù thở ô xy qua ống mũi nhưng vẫn không cải thiện được nên bác sĩ phải cho thở máy. Bác sĩ Võ Đức Trí, làm việc tại khoa, cho biết do thai nhi chưa trưởng thành nên phổi của những em bé sinh mổ trước 39 tuần vẫn còn non, lại cộng thêm dịch ứ trong phổi do không qua đường sinh tự nhiên của mẹ nên các phế nang bị hẹp lại. Trường hợp này, nếu ở xa hoặc cấp cứu trễ, nguy cơ tử vong cho trẻ rất cao hoặc nếu được cứu sống thì trẻ cũng chậm phát triển sau này do thiếu ô xy não kéo dài. Ngoài ra, việc trẻ thở ô xy nhiều cũng gây ra tình trạng yếu phổi. Theo bác sĩ Trí, tình trạng này do phổi trẻ sinh non bị xẹp vì không có đủ chất surfactant để giúp phổi nở ra. Khi sử dụng surfactant, chi phí rất tốn kém. Những trường hợp này, thời gian điều trị thường hơn 2 tuần với chi phí trung bình 30 triệu đồng, thậm chí lên đến 100 triệu!

 

Sáu chỉ định của sinh mổ

 

1. Khung chậu bị hẹp hoặc lệch, dị dạng cơ quan sinh dục.

 

2. Rau bong non, rau tiền đạo, có vết mổ cũ, ung thư cổ tử cung.

 

3. Thai không cân xứng với khung chậu, ngôi thai bất thường (ngang, ngược).

 

4. Thai quá to, thai suy trong bụng mẹ, nước ối quá ít.

 

5. Dây rốn quấn cổ: Chỉ mổ khi có chèn ép dây rốn, suy thai.

 

6. Thai suy do quá ngày.

 

Bốn nguy cơ của sinh mổ

 

1. Ảnh hưởng đến lần sinh kế tiếp: Trong lần sinh sau, thai phụ có thể bị vỡ tử cung do nứt, bung vết mổ cũ. Trường hợp này, con sẽ chết rất nhanh, mẹ cũng có thể tử vong nếu không kịp chuyển đến BV.

 

2. Tai biến trong lúc mổ: Do sai sót trong việc dùng thuốc mê, kỹ thuật gây mê hoặc do phẫu thuật viên thiếu kinh nghiệm mà vết mổ có thể bị rách thêm, nhiễm trùng (dễ làm bung vết mổ, băng huyết nặng).

 

3. Sản phụ bị tắc ruột, dính ruột, lâu hồi phục, ít sữa.

 

4. Trẻ có nguy cơ bị di chứng của suy hô hấp, bại não hoặc tổn thương trong lúc rạch tử cung...

 

Theo Nhất Phương

Người lao động