Sinh con nặng trên 3,5 cân - Chớ vội mừng!

Tuần qua, dư luận xôn xao vì thông tin một em bé chào đời tại Đà Nẵng nặng đến 6,5 kg. Tuy nhiên, dưới mắt các nhà chuyên môn, thai to cần được xem là bất thường, cho mẹ lẫn cho con.

Đừng ham thai to

 

Không ít người quan niệm rằng sinh con càng nặng ký sau này lớn lên, trẻ càng khoẻ mạnh, lỡ bề gì trẻ thiếu ăn thì… ốm bớt là vừa (!?). Trường hợp của chị T.Minh, 25 tuổi, ngụ tại Q5, TPHCM, là thí dụ.

 

Mang thai lần đầu, chị ra sức bồi bổ với mong muốn con mình phải bụ bẫm, tròn trịa cho bằng thiên hạ. Đi khám thai, bác sĩ cho biết chị tăng cân 1,2 kg/tháng là quá tốt, nhưng chị vẫn không chịu. Về nhà, chị tự đặt cho mình một chế độ ăn riêng. Ngoài tăng cường phở, trứng, thịt bò, hằng ngày chị còn uống “sữa bà bầu” thêm 5-6 ly. Kết quả là đến hết tháng thứ 5 của thai kỳ, chị tăng đến 9 kg. Đi khám thai định kỳ, bác sĩ cho biết đường huyết của chị tăng đến 12 mmol/L, trong khi bình thường là 3,9-6,10 mmol/L, cần có biện pháp giải quyết lập tức, nếu không hậu quả không lường hết.

 

Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Sương, bệnh viện Hùng Vương, cho biết thai đủ tháng nặng 3,2 - 3,5kg được xem là bình thường, nặng trên 3,5 kg là to. Những năm gần đây, tại những thành phố lớn, tình trạng mẹ sinh con to là khá phổ biến. Chưa có khảo sát nào đánh giá về hiện tượng này, nhưng theo các nhà chuyên môn, có lẽ do chế độ dinh dưỡng của người Việt Nam hiện nay tốt lên, quan niệm thích sinh con to đang phổ biến và bệnh tiểu đường ở người trẻ có chiều hướng gia tăng.

 

Theo bác sĩ Ngọc Sương, có hai trường hợp thai to: bình thường và bệnh lý:

 

- Thai to bình thường là do mẹ mạnh khoẻ, cao lớn, yếu tố gia đình (mẹ từng sinh con nặng ký), chế độ dinh dưỡng tốt (phần lớn nghe theo quảng cáo “sữa bà bầu” là tốt, nên lạm dụng và dẫn đến tăng cân quá mức).

 

- Thai bệnh lý (nặng trên 4kg hoặc 5kg), thường do mẹ bị bệnh rối loạn chuyển hoá, đặc biệt là tiểu đường.

 

Tuy nhiên, thai to do mẹ dinh dưỡng quá mức dẫn đến hại nhiều hơn lợi. Dẫn chứng là trường hợp chị T.T, 32 tuổi, ngụ tại Q7, TPHCM. Mang thai được 6 tháng hoàn toàn bình thường, nhưng tháng qua chị đau bụng dữ dội và được đưa đến bệnh viện. Đến nơi, bác sĩ cho biết thai trong bụng của chị đã chết lưu. Xét nghiệm máu cho thấy đường máu của chị là 18mmol/L, tăng 3 lần so với bình thường. Đây là hậu quả tình trạng tẩm bổ quá mức của chị.

 

Kẻ khổng lồ chân đất sét

 

Một nghiên cứu mới đây trên thế giới, trên 23.000 thai phụ ở 9 quốc gia cho thấy thai phụ có chỉ số đường huyết càng cao thì con sinh ra càng có nguy cơ mắc các bệnh như béo phì, tiểu đường và cao huyết áp. Tuy nhiên, hậu quả nhỡn tiền nhất là thai to.

 

Theo các bác sĩ sản khoa, nếu thai quá to, khi sinh bình thường theo đường âm đạo, trẻ chỉ lọt được đầu rồi kẹt ở phần vai. Trường hợp này, bác sĩ có thể phải bẽ gãy xương đòn để giúp trẻ ra ngoài dễ dàng (nhiều cha mẹ không biết, kiện cáo bệnh viện!). Nếu giải quyết không kịp, tính mạng trẻ hoặc sản phụ có thể bị ảnh hưởng. Vì thế, đối với trường hợp thai to, bác sĩ thường phải cho sản phụ sinh mổ.

 

Bình thường, để biết được cân nặng thai nhi, người ta thực hiện siêu âm. Nhưng theo bác sĩ Hà Tố Nguyên, trưởng khoa chẩn đoán hình ảnh bệnh viện Từ Dũ, siêu âm cũng có thể không chính xác. Nếu thế thai chuẩn, sai số thấp; ngược lại, thế thai sai (thai gập bụng chẳng hạn), sai số có thể tăng đến 10 - 15%. Trường hợp đó, bác sĩ sẽ không đánh giá được cân nặng thai, tiên lượng của cuộc sinh rất khó khăn.

 

Theo BS Nguyễn Văn Lộc, Phó giám đốc bệnh viện Nhi TƯ, tình trạng trẻ sơ sinh thừa cân hiện nay ngày càng nhiều và phải đặt ra vấn đề kiểm soát tốt hơn. Người ta thấy rằng trẻ thừa cân con của người mẹ bị tiểu đường sinh ra thường dễ bị suy hô hấp, nhiễm trùng, dị tật bẩm sinh (bệnh tim, thần kinh…), hạ đường huyết, hạ calcium hoặc magnesium huyết… Vì thế, trong y học người ta thường ví trẻ thừa cân là… “kẻ khổng lồ chân đất sét”.

 

Theo Phan Sơn

Sài Gòn tiếp thị