Singapore bùng phát Zika, Bộ Y tế họp 4 tỉnh để tăng giám sát
(Dân trí) - Theo thông tin chính thức từ website của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, sáng 1/9, tại Hà Nội đã diễn ra cuộc họp trực tuyến tại 4 điểm cầu Hà Nội, Tp.Hồ Chí Minh, Tây Nguyên, Khánh Hòa nhằm mục tiêu tăng cường giám sát phát hiện sớm trường hợp nhiễm vi rút Zika tại các điểm có nguy cơ cao.
Tính đến ngày 31/8, Singapore đã có 115 trường hợp nhiễm vi rút Zika. Kể từ ca nhiễm bệnh đầu tiên được phát hiện tại quốc gia này được công bố hôm 27/8, các ca nhiễm mới liên tục được ghi nhận.
Hiện nay đã ghi nhận 70 quốc gia và vùng lãnh thổ có sự lây truyền của vi rút Zika do muỗi truyền, 11 quốc gia có sự lây truyền từ người sang người. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định việc lây truyền của vi rút Zika mặc dù có chiều hướng chậm nhưng còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh, đặc biệt ở những nơi có véc tơ truyền bệnh.
Trước tình hình đó, để tăng cường giám sát bệnh do vi rút Zika, Bộ Y tế xây dựng Kế hoạch tăng cường giám sát sử dụng Test Trioplex cùng lúc có thể phát hiện 3 tác nhân gây bệnh gồm: vi rút Zika, sốt xuất huyết Dengue, sốt Chikungunya. Test Trioplex được Trung tâm Kiểm soát & Phòng ngừa bệnh tật Hoa Kỳ (US CDC) hỗ trợ.
Tham gia 4 điểm cầu trực tuyến gồm có: Lãnh đạo và các chuyên viên Cục Y tế dự phòng, Cục Quản lý khám chữa bệnh, đại diện Lãnh đạo các Viện, Bệnh viện tại Hà Nội, đại diện tổ chức WHO và US CDC (điểm cầu Hà Nội); Lãnh đạo và và cán bộ đầu mối của các Viện: Viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh (điểm cầu TP. Hồ Chí Minh); Viện Pasteur Nha Trang (điểm cầu Khánh Hòa); Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên (điểm cầu Tây Nguyên).
Tại buổi họp trực tuyến, các đại biểu tại cả 4 điểm cầu tập trung thảo luận thống nhất cần tăng cường giám sát các trường hợp nghi ngờ Zika, đưa ra các tiêu chí lấy mẫu xét nghiệm để tránh bỏ sót nhằm phát hiện sớm trường hợp nhiễm Zika nếu có, sử dụng kĩ thuật xét nghiệm mới cùng lúc phát hiện 3 tác nhân gây bệnh để có thểtổ chức phòng chống kịp thời.
Một số tiêu chuẩn đề xuất như tiêu chuẩn lựa chọn các tỉnh, thành phố giám sát ưu tiên cho những nơi có trường hợp nhiễm Zika, có liên quan dịch tễ với các trường hợp nhiễm Zika, có mật độ muỗi Aedes cao, có tỷ lệ mắc sốt xuất huyết Dengue cao, có giao lưu đi lại nhiều trong nước và quốc tế. Theo đó, các đại biểu tham dự đã cùng thống nhất về tiêu chí chọn mẫu, địa điểm triển khai giám sát trọng điểm căn cứ trên tình hình thực tiễn của các địa phương. Kế hoạch triển khai giám sát sẽ mở rộng ra các phòng khám ngoại trú, nơi bệnh nhân thường có biểu hiện các triệu chứng nhẹ tới khám nhằm lấy được đúng đối tượng giám sát, hạn chế việc bỏ sót đối tượng.
Quy trình chọn mẫu, thu thập, bảo quản và vận chuyển mẫu bệnh phẩm,… được thực hiện theo Quyết định số 3792/QĐ-BYT ngày 25/7/2016 của Bộ trưởng về “Hướng dẫn giám sát và phòng chống bệnh do vi rút Zika”.
Phát biểu tại buổi họp, ông Tony, đại diện US CDC, đánh giá rất cao sự đáp ứng nhanh nhạy của Việt Nam trước nguy cơ tiềm ẩn của dịch bệnh do vi rút Zika và nỗ lực giảm sự lây lan của dịch sốt xuất huyết, phòng chống sốt Chikungunya. Theo ông Tony, việc sẵn sàng ứng phó dịch bệnh, lường trước các tình huống khẩn cấp, đề rõ các tiêu chí giám sát hiệu quả một cách cụ thể là cách tốt nhất để ngăn chặn và kiểm soát dịch bệnh. US CDC cũng bày tỏ mong muốn sẵn sàng hỗ trợ hệ thống giám sát của Việt Nam, cung cấp test kit, sinh phẩm, dụng cụ lấy mẫu bệnh phẩm,… cho các điểm giám sát thông qua hệ thống các Viện Vệ sinh dịch tễ/Viện Pasteur tại Việt Nam.
Cuối buổi họp trực tuyến, PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng đề nghị các Viện cần xây dựng kế hoạch triển khai chi tiết để triển khai sớm trong đầu tháng 9/2016; Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương sẽ chịu trách nhiệm tổ chức tập huấn cán bộ nhằm thống nhất quy trình xét nghiệm, chọn mẫu giám sát trên toàn quốc.
Theo Cục Y tế dự phòng