Siêu vi phẫu cứu ngón tay bé 10 tháng tuổi bị đứt lìa

Sáu y, bác sĩ đã thức từ nửa đêm đến sáng chỉ để cứu ngón tay cái cho một bệnh nhi.

Gần nửa đêm 22/12/2015, các bác sĩ (BS) khoa Bỏng - Chỉnh hình BV Nhi đồng 2 được gọi vào BV cấp tốc vì có ca bệnh nhi đứt lìa ngón tay. Nói thì nghe đơn giản nhưng đó là một đêm đầy thách thức cho ê-kíp mổ.

Mổ cấp cứu giữa đêm

Bệnh nhi Võ Tá Minh Lâm (10 tháng tuổi, Gia Lai) xuống Đồng Nai chơi. Trong lúc cha cưa sắt thép, bé chập chững bước tới mà người cha không hay biết. Chẳng may bé đưa bàn tay vào nắm dây cuaroa đang hoạt động, bị cuốn vào và máy đã cắt đứt lìa ngón cái bàn tay phải. Gia đình đưa bé đi cấp cứu tại BV địa phương, sau đó chuyển đến BV Nhi đồng 2, TP.HCM.

“Khoảng 8-9 giờ tối, tôi ở nhà do không phải ca trực thì nhận được điện thoại của BV gọi vào vì có ca chấn thương đứt lìa ngón tay, mất máu phải mổ gấp. Tôi vào thấy ngón tay của bé được băng ép đang chảy máu, phần bị lìa được ướp đá” - BS Nguyễn Thị Ngọc Ngà, khoa Bỏng - Chỉnh hình BV Nhi đồng 2, kể lại.

Theo BS Ngà, gia đình bé khẩn thiết mong BS cứu lấy ngón tay của bé. Các BS giải thích là sẽ cố gắng hết sức có thể nhưng ca này rất khó, vì phần đứt ở bàn tay bầm dập, phần lìa ra cũng dập nát. Nếu trong quá trình phẫu thuật nối không thành công thì sẽ đóng mỏm cụt cho bé.

11 giờ khuya, bệnh nhi được đưa vào phòng mổ chuẩn bị và gây mê. 12 giờ khuya, ca mổ được bắt đầu. Kíp mổ gồm hai BS phẫu thuật, hai y tá dụng cụ và hai phẫu thuật viên gây mê.

Vết thương của bệnh nhi trước và sau phẫu thuật. (Ảnh do bệnh viện cung cấp)
Vết thương của bệnh nhi trước và sau phẫu thuật. (Ảnh do bệnh viện cung cấp)

 

Ba vấn đề nan giải

Theo BS Ngà, ca mổ lần này có đến ba vấn đề khó mà êkíp mổ phải giải quyết.

Thứ nhất, vết thương quá bẩn dính đầy dầu nhớt, mảnh sắt thép, bụi bẩn… Để cắt lọc sạch vết thương dưới kính hiển vi, các BS phải mất đến hai giờ. Thứ hai, mạch máu chỗ bị đứt dập nát, do vậy không có mạch máu để dẫn nuôi ngón tay khi nối vào. Lúc 3 giờ sáng, các BS đổ mồ hôi hột tìm mạch máu ngón tay dưới kính hiển vi nhưng không có. Lúc đó, êkíp định dừng lại, đóng mỏm cụt vết thương và khép lại ca mổ vì đã hết hy vọng. Nhưng BS Ngà lại lóe lên ý tưởng chuyển vị mạch máu, tức lấy mạch máu ngón tay kế bên (mạch máu này có hai nhánh), sau đó tạo một đường hầm dưới da kéo qua nối với hai mạch máu ngón tay phải. Ý tưởng này được tán thành và êkíp mổ tiếp tục tiến hành vi phẫu cắt nối.

“Nhưng cái khó thứ ba là mạch máu ngón tay em bé 10 tháng tuổi quá nhỏ, chỉ 0,3-0,4 mm. Trong khi chỉ may bình thường các ca khác là chỉ 9-10 ô (bằng 1/10 mm). Rất may là lúc này tìm được ba sợi chỉ nhỏ hơn nữa: 11 ô, loại chỉ này rất hiếm. Ca mổ kéo dài đến 8 giờ sáng mới kết thúc, một đêm vất vả nhưng thật ý nghĩa. Trong và sau ca mổ, bệnh nhi được truyền 350 ml máu do bị mất nhiều máu” - BS Ngà chia sẻ.

Hơn tám giờ siêu vi phẫu nhưng các BS chỉ làm sạch vết thương, xuyên kim tạm thời để xương ngón tay lành lặn và nối mạch máu. Bệnh nhi còn phải trở lại BV để được nối thần kinh, gân.

Nhưng cũng chưa hết khó khăn. Sau mổ hai ngày, ngón tay bệnh nhi trở nên đen thui, lại phải cấp cứu. Nguyên nhân có thể do nhiễm trùng hoặc máu chảy đến quá nhiều. Bệnh nhi được dùng kháng sinh, thuốc giãn mạch, thông máu… Một tuần trôi qua, mong đợi của các BS cũng như gia đình bệnh nhi đã có kết quả: Ngón tay bệnh nhi đã hồng hào trở lại, mạch máu nuôi lưu thông tốt.

Tại BV Nhi đồng 2, ca nối ngón tay cho bệnh nhân nhỏ tuổi nhất trước đây là 18 tháng tuổi. BS Phan Dư Lê Thắng, khoa Vi phẫu tạo hình - người hỗ trợ cho BV Nhi đồng 2 vi phẫu ca này, khẳng định đây là ca mổ nối ngón tay nhỏ tuổi nhất mà ông gặp. Trước đó, tại BV Chấn thương Chỉnh hình, BS Thắng cũng từng gặp ca vi phẫu nối ngón tay cho bệnh nhi 14 tháng. “Riêng ca này phải được gọi là siêu vi phẫu vì bệnh nhi không chỉ nhỏ tuổi mà vết thương còn quá phức tạp và khó khăn” - BS Thắng cho biết.

Sau hơn hai tuần, bệnh nhi đã được xuất viện về nhà, ngón tay lành lặn, sau tết sẽ trở lại khám để tiếp tục phẫu thuật nối gân và dây thần kinh.

Với một vết thương đứt lìa bộ phận cơ thể của trẻ, trước tiên là phải cầm máu bằng khăn sạch hay bông gạc, băng ép vào vết thương. Phần đứt lìa bỏ vào túi xốp sạch và chườm đá. Sau đó nhanh chóng đưa bệnh nhi đến cơ sở y tế gần nhất trong thời gian ngắn nhất.

Quý phụ huynh cần trông coi con cháu cẩn thận, nhất là trong dịp tết cận kề, tai nạn sinh hoạt rất nhiều và để lại những di chứng rất nặng cho trẻ.

BS NGUYỄN THỊ NGỌC NGÀ

 

Theo Duy Tính