1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bình Dương:

“Siết” quản lý thực phẩm sau vụ ngộ độc hàng loạt

(Dân trí) - Sau vụ ngộ độc tập thể khiến 84 công nhân phải nhập viện điều trị, tỉnh Bình Dương đã ban hành quy chế thắt chặt quản lý chất lượng an toàn thực phẩm. Bình Dương đang hướng đến loại bỏ sự chồng chéo trong quản lý thực phẩm của các bộ ngành liên quan.

Ngày 12/6/2014, tại công ty May Việt Ngân Hà (khu phố Đông Tư, phường Lái Thiêu, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương) xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm làm 84 công nhân phải nhập viện điều trị. Cục An toàn thực phẩm đã có công văn yêu cầu Sở Y tế tỉnh Bình Dương chỉ đạo xử trí và điều tra vụ ngộ độc.

Báo cáo nhanh của Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Bình Dương cho thấy: lúc 18h30' ngày 12/6 bếp ăn của công ty Việt Ngân Hà tổ chức phục vụ ăn bữa tối cho tổng số 180 công nhân. Suất ăn do Công ty Hạnh Trúc (D13/11, khu phố Bình Thuận 2, phường Thuận Giao, thị xã Thuận An) cung cấp.

Ngộ độc thực phẩm cấp tính và mạn tính ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người lao động
Ngộ độc thực phẩm cấp tính và mạn tính ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người lao động

Sau bữa ăn có 84 công nhân gặp các triệu chứng ngộ độc thực phẩm như: buồn nôn, nôn, đau bụng, chóng mặt, đau đầu… phải chuyển đến bệnh viện đa khoa Thuận An cấp cứu. Sau khi được chăm sóc tích cực, đến 23 giờ cùng ngày toàn bộ công nhân đã được xuất viện trong tình trạng sức khỏe tương đối ổn định. Cơ quan chức năng đã vào cuộc điều tra nhưng chưa xác định được nguyên nhân vụ ngộ độc.

Cuối năm 2013, tại công ty giày da xuất khẩu Liên Phát (phường An Bình, thị xã Dĩ An, Bình Dương) cũng xảy ra một vụ ngộ độc khiến gần 200 công nhân phải nhập viện. Nhằm ngăn chặn các vụ ngộ độc tương tự, Ban chỉ đạo ATVSTP tỉnh Bình Dương đã ban hành Quy chế phối hợp về quản lý an toàn thực phẩm giữa Sở Y tế và Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương.

Tỉnh Bình Dương yêu cầu người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải được Sở Y tế và Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm. Để hạn chế sự chồng chéo trong quản lý giữa 3 bộ là Bộ Y tế; Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Bộ Công thương, tránh tình trạng “cha chung không ai khóc” tỉnh Bình Dương chủ trương thực hiện theo nguyên tắc một sản phẩm, một cơ sở sản xuất kinh doanh chỉ chịu sự quản lý của một cơ quan quản lý nhà nước.

Theo đó, những cơ sở sản xuất có cửa hàng kinh doanh tại một địa điểm thì việc quản lý thực hiện theo loại hình sản xuất; những loại hình dịch vụ bảo quản, kho chứa thực phẩm do ngành Nông nghiệp quản lý; các Siêu thị, Trung tâm thương mại có sản xuất chế biến thực phẩm do ngành Công Thương quản lý.

Vân Sơn