1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Sẽ trình Thủ tướng cho phép sử dụng lại vắc xin Quinvaxem

(Dân trí) - “Bộ Y tế sẽ sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả hiểm định vắc xin Quinvaxem của WHO, đề xuất Chính phủ cho phép sử dụng lại vắc xin này vào Chương trình tiêm chủng mở rộng”, PGS.TS Nguyễn Đắc Phu, Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết.

Tỉ lệ tai biến vắc xin Quinvaxem thấp hơn so với khuyến cáo

Tại buổi họp báo diễn ra sáng 20/6, GS.TS Nguyễn Trần Hiển cho biết, kết quả kiểm nghiệm tại phòng kiểm nghiệm độc lập của Viện Kiểm định chuẩn thức quốc gia về vắc xin và sinh phẩm y tế Vương Quốc Anh cho thấy: mẫu các lô vắc xin Quinvaxem có nghi ngờ liên quan đến phản ứng nặng sau tiêm tại Việt Nam cho thấy, các lô vắc xin này đạt yêu cầu về chất lượng.
 
GS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương trả lời
GS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương trả lời tại buổi họp báo. Ảnh: Dương.Ngọc.

GS Hiển cho biết, kết quả nghiên cứu phân tích 43 trường hợp phản ứng sau tiêm tại Việt Nam từ năm 2010 đến nay sau khi dùng vắc xin Quinvaxem thì có 9 trường hợp được cho là có thể liên quan đến vắc xin. 9 trường hợp này thì 8 ca là sốt, co giật, giảm trương lực cơ, có phản ứng dị ứng, nổi ban (là phản ứng thông thường của kháng nguyên lạ, tùy thuộc vào cơ địa của trẻ, không phải tất cả trẻ em khi tiêm vắc xin đều gặp phản ứng này) và một trường hợp sốc phản vệ nhưng đã điều trị đã qua khỏi.

TS Takeshi Kasai cho biết: Khi nhận được đề nghị của Việt Nam, WHO đã xem xét lại tất cả những trường hợp có tai biến và làm việc với nhà sản xuất ở Hàn Quốc để xem xét lại tất cả giấy tờ liên quan đến các lô vắc xin. Đồng thời mời một đơn vị độc lập về kiểm định vắc xin ở London kiểm định chất lượng các lô vắc xin. Kết quả cho thấy vắc xin có chất lượng đúng với tiêu chuẩn của WHO, không có bằng chứng nào liên quan giữa tai biến và sử dụng các vắc xin này.

“Chúng tôi đã cùng WHO ngồi rà soát từng ca một, với 9 ca phản ứng có liên quan vắc xin, nếu tính tỉ lệ trên 14 triệu liều sử dụng thì tỉ lệ 9/14 triệu thấp hơn rất nhiều so với ước tính (ước tính 20lần/triệu ). 17 trường hợp tai biến sau tiêm chủng có liên quan đến bệnh lý sẵn có của trẻ (14 ca tử vong), 17 trường hợp không xác định nguyên nhân nhưng không có đủ thông tin để kết luận nhưng qua hỏi bà mẹ, hỏi những người trong gia đình không có yếu tố liên quan đến vắc xin”, GS Hiển nói.

Trước câu hỏi, tại sao có một số trường hợp cho là liên quan đến vắc xin tự hồi phục mà vẫn sử dụng lại vắc xin này cho trẻ em? Ông Hiển cho biết: “Không vắc xin nào an toàn 100%. Vắc xin là đưa vào cơ thể một kháng nguyên lạ, cơ thể sản xuất kháng thể chống lại các bệnh truyền nhiễm. Độ an toàn vắc xin, tính phản ứng vắc xin phụ thuộc vào kháng nguyên của vắc xin. Ví như vắc xin ho gà người ta quan tâm nhiều đến phản ứng phụ, sau tiêm có những phản ứng phụ như sốt, sưng đau, tại chỗ, trẻ quấy khóc, thậm chí có sốt co giật… Tuy nhiên các nghiên cứu của nhà sản xuất vắc xin cũng như khuyến cáo của WHO đó là những khuyến cáo nhẹ và rất ít phản ứng nặng gây tử vong. Vắc xin có những phản ứng như thế, nhưng vì tính hiệu quả vượt trội trong phòng bệnh hơn hẳn với nguy cơ tai biến nên WHO khuyến cáo đưa vắc xin này vào sử dụng”.

Thực tế, vắc xin bạch Hầu, Ho gà, uấn ván không phải vắc xin mới mà đã dùng ở Việt Nam 20 năm nay và nó đã giúp giảm 410 lần tỷ lệ mắc bệnh bạch hầu, giảm 841 lần mắc bệnh ho gà.
 
TS Takeshi Kasai tại buổi họp báo. Ảnh: Dương Ngọc.

TS Takeshi Kasai tại buổi họp báo. Ảnh: Dương Ngọc.

Đồng quan điểm này, ông Takeshi Kasai, Trưởng đại diện Tổ chức y tế thế giới (WHO), cho rằng: “Không có loại vắc xin nào tuyệt đối an toàn, tuyệt đối không có những tác dụng, phản ứng không mong muốn. Dù vắc xin tốt nhất cũng có tỉ lệ nhất định sẽ có tai biến. Tuy nhiên tai biến thường hiếm gặp, nhẹ. Nếu nặng cũng có thể xử lý kịp thời ở các cơ sở y tế. Sự việc xảy ra chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên với biến cố không mong muốn khác. Mặc dù có thể có những tai biến không mong muốn, nhưng WHO khuyến nghị mạnh mẽ việc tiêm chủng, nó mang lại an toàn, lợi hơn rất nhiều trong phòng chống bệnh truyền nhiễm, so với những tai biến có thể có trong quá trình tiêm chủng”.

Vẫn sẽ có các ca phản ứng sau tiêm!

Đó là thách thức mà Việt Nam phải đối mặt khi tái sử dụng lại vắc xin Quinvaxem trong Chương trình tiêm chủng mở rộng.

“Tái sử dụng Quinvaxem, chúng ta nhìn thấy trước, khi sử dụng lại vẫn sẽ lại có những phản ứng phụ không mong muốn tiếp tục xảy ra. Một lần nữa tôi muốn nhấn mạnh, không vắc xin nào an toàn tuyệt đối, không có loại vắc xin nào phòng bệnh cho tất cả mọi người mà lại không có phản ứng nào ngoài mong đợi”, GS Hiển nói.
 
WHO khẳng định vắc xin Quinvaxem là an toàn và kiến nghị Việt Nam đưa
WHO khẳng định vắc xin Quinvaxem là an toàn và kiến nghị Việt Nam đưa vào sử dụng lại trong chương trình Tiêm chủng mở rộng. Ảnh: H.Hải

Dẫn chứng cụ thể cho tình huống này là tại Srilanka đã dừng vắc xin Quivaxem trong 2 năm sau 5 ca tử vong được báo cáo. Trong 2 năm đó, cơ quan chuyên môn đã điều tra kỹ lưỡng và đưa ra kết luận, vắc xin không liên quan đến các ca tai biến này và họ đã sử dụng lại vắc xin vào năm 2010. Tuy nhiên, khi dùng lại, các phản ứng không giảm mà tăng lên. Nhưng khi điều tra kỹ các trường hợp phản ứng sau tiêm thì phần lớn trẻ gặp tai biến nặng là trẻ mắc bệnh tim, trẻ cơ địa yếu, trẻ cân nặng thấp… “Tương tự tại Việt Nam, chúng ta phải chắc chắn, dùng lại Quinvaxem thì vẫn sẽ có những báo cáo phản ứng xảy ra sau tiêm. Phản ứng sau tiêm vắc xin không có nghĩa là do vắc xin. Để xác định nguyên nhân thì phải có điều tra, đánh giá khi xảy ra tai biến mới có đầy đủ thông tin đưa ra kết luận là do vắc xin hay không. Tại Srilanka, họ mổ tử thi gần như tất cả các trường hợp tử vong sau tiêm vắc xin, từ đó họ mới có cơ sở khoa học đầy đủ nhất để chứng minh, vì thế, người dân vẫn yên tâm sử dụng vắc xin Quinvaxem dù các phản ứng với vắc xin này vẫn xảy ra”, GS Hiển cho biết.

Đứng trước thách thức dùng lại vẫn sẽ gặp những trường hợp phản ứng sau tiêm, GS Hiển cho rằng, cần làm tốt quy trình tư vấn, sàng lọc, chỉ định tiêm chủng, hướng dẫn bà mẹ sau khi tiêm vắc xin theo dõi tại chỗ như thế nào, về nhà ra làm sao, khi nào đến cơ sở y tế. Quy trình cho thầy thuốc tại bệnh viện khi gặp những ca này làm như thế nào, nếu không may trẻ không qua khỏi, vận động cho mổ tử thi để có bằng chứng khoa học, để chứng minh vắc xin là an toàn hay không an toàn.
 
"Vắc xin Quinvaxem đã được WHO chứng minh là đạt chất lượng. Tỉ lệ tai biến liên quan đến tiêm chủng cũng thấp hơn nhiều so với khuyến cáo, vì thế, ngành y tế mong mỏi khi sử dụng lại vắc xin này trong chương trình Tiêm chủng mở rộng sẽ được người dân ủng hộ. Khi thực hiện đúng quy trình tiêm chủng từ tư vấn, sàng lọc trước tiêm, tiêm và đặc biệt là theo dõi của gia đình với đứa trẻ chặt chẽ, có biểu hiện bất thường cần đến ngay cơ sở y tế để được điều trị, tỉ lệ tai biến sẽ giảm đi", TS Phu nói
.
Hồng Hải