Sẽ tiêm phòng vắc xin sởi-rubella miễn phí cho trẻ 9-14 tháng tuổi
Sáng 27/4, tại TP Hải Dương, Tổ chức Y tế thế giới và Chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) quốc gia mít-tinh hưởng ứng “Tuần lễ Tiêm chủng” từ 22-30/4 do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khu vực Tây Thái Bình Dương phát động với chủ đề “Đạt mục tiêu: Không còn bệnh Sởi”.
Cùng với 20 nước khác trong khu vực, buổi mít-tinh nằm trong chuỗi các hoạt động hưởng ứng phong trào nhằm nâng cao nhận thức và chia sẻ thông tin về loại trừ sởi trong cộng đồng.
Dự kiến, từ năm 2013 -2015, VN sẽ triển khai tiêm phòng vắc xin sởi - rubella cho đối tượng trẻ từ 9-14 tháng tuổi trong toàn quốc do Liên minh Toàn cầu về Vắc xin và Miễn dịch (GAVI) tài trợ. Hiện tại GAVI đã chính thức phê duyệt tài trợ, Bộ Y tế đang làm đề án trình Chính phủ kế hoạch thực hiện. Đây là vắc-xin chưa từng sử dụng ở VN nên trước khi đưa vào tiêm chủng cần tập huấn đầy đủ cho cán bộ y tế và chuẩn bị các điều kiện kỹ thuật khác. Việc tiêm sẽ thực hiện trong thời gian sớm nhất.
Các cháu bé dưới 1 tuổi đến tiêm phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm phổi, viêm màng não do Hib và bại liệt.
GS. TS Nguyễn Trần Hiển, Chủ nhiệm chương trình TCMR quốc gia cho biết: Theo kết quả phân tích bệnh sởi diễn biến từ năm 2009 – 2010 thì tỉ lệ mắc bệnh cao nhất ở 2 đối tượng là trẻ dưới 4 tuổi và người trưởng thành từ 22- 30 tuổi. Vì thế, chương trình cũng vận động những người ở độ tuổi nguy cơ cao đến tiêm phòng sởi. Theo mục tiêu thanh toán bệnh sởi của WHO, dự kiến đến năm 2017 khống chế tỉ lệ mắc căn bệnh này trong cộng đồng dưới 1 ca/1 triệu người.
Chương trình TCMR ở Việt Nam bắt đầu từ năm 1985 với việc triển khai tiêm 6 mũi vắc xin cơ bản cho tất cả trẻ em dưới 1 tuổi là lao, bại liệt, bạch hầu, ho gà, uốn ván, và sởi. Năm 1997, bổ sung thêm vắc xin thứ 7 là viêm gan B, và năm 2010 thêm vắc xin Hib. Các vắc xin khác được dùng ở các vùng có nguy cơ cao cho trẻ trên 1 tuổi là vắc xin viêm não Nhật Bản, tả, thương hàn. Trong nhiều năm liên tục tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ ở trẻ em đều đạt trên 90%.
Bằng tiêm chủng vắc xin này, tỷ lệ mắc nhiều bệnh nhiễm trùng có vắc xin dự phòng đã giảm đi hàng chục đến hàng trăm lần. Nhiều bệnh không có ca nào tử vong sau năm 2005. Đậu mùa đã được thanh toán vào cuối những năm 70, bại liệt vào năm 2000, loại trừ được uốn ván sơ sinh vào năm 2005 và đang tiến tới loại trừ sởi trong những năm tới. Có thể nói đây là một trong những thành tựu lớn nhất mà ngành y tế VN đạt được trong những năm qua trong bối cảnh VN còn là một nước nghèo, thu nhập bình quân đầu người còn thấp. Thông qua việc triển khai thành công chương trình tiêm chủng mở rộng và các chương trình y tế khác, Việt Nam đã giảm đáng kể tỷ lệ tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi, từ 56/1 phần nghìn trẻ đẻ sống năm 1990 xuống còn 15,57 phần nghìn năm 2011, và đã đạt được mục tiêu thứ tư của thiên niên kỷ trước thời hạn 8 năm.
Theo WHO, hơn 90% trẻ em chết dưới 5 tuổi là ở các nước đang phát triển. Nguyên nhân tử vong chủ yếu ở trẻ em năm 2009 là chết sơ sinh , viêm phổi, và tiêu chảy. Những nguyên nhân này có thể dự phòng được bằng vắc xin. Với những thành tựu khống chế được bệnh qua tiêm chủng, Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) đã xếp TCMR đứng thứ 4 trong 10 thành tựu lớn nhất về y tế công cộng của thế kỷ 20. Thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21 được coi là thập kỷ thành công nhất của lịch sử phát triển vắc xin.
Theo Ng.Hằng
Lao động