Sẽ bồi thường nếu xảy ra tai biến khi tiêm chủng bắt buộc?

(Dân trí) - Khi sử dụng vắc xin bắt buộc, nếu xảy ra tai biến nặng sau tiêm chủng, Nhà nước có trách nhiệm bồi thường cho người bị tai biến nặng hoặc thân nhân người bị tai biến nặng (gọi chung là người bị thiệt hại).

Đó là một phần nội dung dự thảo nghị định quy định về hoạt động tiêm chủng Bộ Y tế đang lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân. Dự thảo này đã được đăng công khai trên website Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế).

Trong dự thảo này có điểm đáng chú ý, đó là sẽ bồi thường cho người bị tai biến nặng khi sử dụng vắc xin bắt buộc trong tiêm chủng mở rộng (TCMR). Theo đó, sau tiêm, nếu xảy ra tai biến nặng sau tiêm chủng, Nhà nước có trách nhiệm bồi thường cho người bị tai biến nặng hoặc thân nhân người bị tai biến nặng (sau đây gọi chung là người bị thiệt hại).

Dự thảo đưa ra cụ thể những trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng do nguyên nhân sai sót trong thực hành tiêm chủng hoặc do vắc xin được Nhà nước bồi thường bao gồm: Người được tiêm chủng bị tai biến nặng bắt buộc phải cấp cứu, điều trị nội trú tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Người được tiêm chủng bị tai biến nặng để lại di chứng dẫn đến bị khuyết tật; Người được tiêm chủng bị tử vong.

Các mức độ bồi thường cũng đưuợc nêu rõ. Theo đó, với trường hợp người được tiêm chủng bị tai biến nặng có bảo hiểm y tế, việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng được thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế. Trường hợp người được tiêm chủng bị tai biến nặng không có thẻ bảo hiểm y tế; trường hợp người được tiêm chủng bị tai biến nặng đến khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở y tế ngoài công lập thì việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng được thực hiện theo như quy định hiện hành về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở y tế công lập.

Trong trường hợp người được tiêm chủng bị tai biến nặng phải sử dụng các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh có chi phí vượt mức thanh toán của bảo hiểm y tế hoặc ngoài phạm vi thanh toán của bảo hiểm y tế thì được thanh toán theo hoá đơn (mức tối đa không quá khung giá dịch vụ do liên bộ: Bộ Y tế - Bộ Tài chính quy định).

Trường hợp người được tiêm chủng bị tai biến nặng phải nhập viện điều trị, trong quá trình điều trị nếu phát hiện các bệnh khác kèm theo không liên quan đến tiêm chủng thì phải thanh toán chi phí khám bệnh, điều trị bệnh đó theo quy định của pháp luật về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh. Nếu người bị tai biến nặng có thẻ bảo hiểm y tế thì việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh của bệnh đó được thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.

Ngoài ra dự thảo nghị định cũng quy định chi tiết việc bồi thường khi xảy ra tai biến gây thiệt hại do thu nhập bị mất hoặc bị giảm sút sau tiêm vắc xin; Thiệt hại do để lại di chứng; Thiệt hại đến tính mạng. Trong đó, với trường hợp người được tiêm chủng bị thiệt hại đến tính mạng được Hội đồng tư vấn chuyên môn cấp tỉnh xác định nguyên nhân tử vong do vắc xin, sai sót thực hành tiêm chủng được bồi thường để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại... Mức bù đắp tổn thất về tinh thần bằng 10 lần mức lương cơ sở do nhà nước quy định. Những người được bồi thường trong trường hợp này phải còn sống tại thời điểm người bị thiệt hại chết.

Ngoài ra, dự thảo nghị định về hoạt động tiêm chủng cũng đưa ra các nội dung về quy trình tiêm chủng an toàn, theo đó phải đảm bảo đầy đủ các bước như Bộ Y tế đã quy định, từ khám sàng lọc, tư vấn trước tiêm chủng, chỉ định trong tiêm chủng; theo dõi sau tiêm...

Các cơ sở tiêm chủng không tuân thủ các quy định về sử dụng vắc xin hoặc có sai sót về chuyên môn kỹ thuật theo các hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế ban hành cũng sẽ bị đình chỉ hoạt động (hoặc thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện tiêm chủng tùy theo mức độ vi phạm).

Với cán bộ y tế thực hiện tiêm chủng, dự thảo nghị định cũng quy định rõ các trường hợp bị đình chỉ thực hiện tiêm chủng đối với cán bộ tiêm chủng

Theo đó, sẽ đình chỉ tiêm chủng với cán bộ có vi phạm các quy định của pháp luật hoặc đang trong quá trình theo dõi điều tra của cơ quan pháp luật; Không tuân thủ các quy định về sử dụng vắc xin hoặc có sai sót về chuyên môn kỹ thuật theo các hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế ban hành; Cho thuê  hoặc cho mượn giấy chứng nhận tham dự tập huấn về tiêm chủng để tiến hành hoạt động tiêm chủng...

Về nguồn vắc xin sử dụng, với vắc xin sử dụng cho hoạt động tiêm chủng bắt buộc sẽ do Bộ Y tế thực hiện việc mua sắm tập trung, phân phối vắc xin trên cơ sở kế hoạch về nhu cầu sử dụng vắc xin hàng năm của Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và có đảm bảo dự trữ trong 6 tháng.

Vắc xin sử dụng cho hoạt động tiêm chủng dịch vụ do cơ sở tiêm chủng dịch vụ tự bảo đảm. Đối với loại vắc xin phải tiêm nhiều mũi phải có biện pháp quản lý đối tượng tiêm chủng và lập kế hoạch dự trữ đủ vắc xin để đảm bảo tiêm đủ mũi cho đối tượng tới tiêm chủng tại cơ sở. Trường hợp các cơ sở kinh doanh vắc xin không cung ứng được đủ số lượng vắc xin dịch vụ theo nhu cầu sử dụng tại đơn vị, trong khi tiêm chủng mở rộng có các vắc xin tương tự thì cơ sở tiêm chủng dịch vụ phải tổ chức tiêm chủng các vắc xin thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng tương ứng với loại vắc xin mà cơ sở đó thực hiện tiêm chủng dịch vụ.

Tú Anh

Sẽ bồi thường nếu xảy ra tai biến khi tiêm chủng bắt buộc? - 1