Sẩy thai và những điều chưa biết

(Dân trí) - Bạn có biết rằng sẩy thai là một hiện tượng khá phổ biến và phần nhiều không biết là mình bị sẩy thai? Nguyên nhân do đâu? Có thể giảm thiểu nguy cơ này?... Hãy cùng tìm lời giải nhé.

Có nhiều phụ nữ bị sẩy thai?

 

Sẩy thai tự nhiên là tình trạng thai “tuột” khỏi tử cung người mẹ trong 24 tuần đầu mang thai. Thật buồn đây là một hiện tượng rất phổ biến. Mặc dù rất khó để đưa ra số liệu chính xác nhưng có khoảng 15% phụ nữ kết thúc thai kỳ bằng tình trạng sẩy thai.

 

Thông thường, tình trạng sẩy thai thường diễn ra trước khi người mẹ kịp nhận ra là mình có bầu. Có lễ là phải đến 3/4 số trứng được thụ tinh đã không thể lớn lên trong tử cung của người mẹ ở 3 tháng đầu thai kỳ. Khoảng 98% phụ nữ bị sẩy thai trong 13 tuần mang thai đầu tiên và chỉ khoảng 1% sẩy thai sau 13 tuần.

 

Làm thế nào nếu thuộc nhóm nguy cơ?

 

Thậm chí ngay cả với những phụ nữ trẻ khỏe mạnh cũng có thể sẩy thai mà không rõ nguyên nhân.

 

Nghiên cứu cho thấy, dễ có nguy cơ sẩy thai hơn nếu bạn:

- Hút thuốc

- Uống nhiều hơn 4 ly cà phê/ngày

- Uống nhiều chất cồn

 

Nguy cơ sẩy thai cũng sẽ cao hơn nếu:

- Đã từng sẩy thai

- Bị u xơ cổ tử cung hay tử cung có hình dạng bất thường

- Mắc bệnh luput

- Đang mắc bệnh tiểu đường, thận hay bệnh ở tuyến giáp (nếu có sự giám sát của bác sĩ, nguy cơ sẩy thai sẽ thấp hơn).

- Mắc các bệnh rubella, nhiễm nấm trong giai đoạn đầu thai kỳ.

- Điều trị vô sinh bằng hormon

- Tử cung dị dạng

- Rối loạn hệ miễn nhiễm, mắc bệnh mãn tính...

- Có nhóm máu RH không tương thích với nhóm máu của chồng

 

Một nghiên cứu được thực hiện từ cuối thập kỷ 90 cho thấy uống Ibuprofen hay aspirin trong khi có bầu cũng làm tăng nguy cơ sẩy thai. Hiện chưa tìm thấy sự liên hệ giữa việc uống paracetamol với nguy cơ sẩy thai.

 

Tuổi tác cũng có thể là một yếu tố. Tỉ lệ sẩy thai tăng lên khi bước vào độ tuổi 30 và thực sự gia tăng khi ở tuổi 35. Những phụ nữ lớn tuổi dễ mang thai dị dạng và phần lớn những thai này rất khó phát triển, tồn tại.

 

Nguyên nhân gây sẩy thai

 

Các bác sĩ không thể chỉ rõ lý do dẫn tới sẩy thai nhưng đa phần đều do một số nguyên nhân. Ít nhất một nửa số trường hợp sẩy thai trong 3 tháng đầu là do nhiễm sắc thể có vấn đề, khiến thai nhi không thể phát triển bình thường. Những trường hợp sẩy thai sau khi thai được 20 tuần tuổi có thể là kết quả của tình trạng viêm nhiễm hay thai nhi/rau thai xuất hiện bất thường, tử cung yếu đến mức không thể “đỡ” được bào thai đang lớn lên rất nhanh.

 

Ngoài ra, xét nghiệm chọc ối để kiểm tra xem thai nhi có gì bất thường không cũng là một trong những “thủ phạm” gây sẩy thai. Xét nghiệm chọc ôi thường diễn ra ở tuần 15 - 18 thai kỳ, nguyên nhân gây sẩy thai của 1% phụ nữ.

 

Có thể biết mình bị sẩy thai?

 

Những biểu hiện rõ nhất là đau bụng và chảy nhiều máu, trong máu đó xuất hiện các cục máu đông. Tuy nhiên, bạn có thể bị sẩy thai mà hoàn toàn không hề biết gì, đặc biệt khi mới mang thai.

 

Một số trường hợp sẩy thai chỉ có thể phát hiện khi đi khám tiền sinh, bác sĩ không còn nghe thấy tim thai.

 

Đôi khi các bà bầu không biết mình bị sẩy thai cho tới khi đi khám. Siêu âm sẽ cho biết chính xác liệu bạn có bị sẩy thai hay không.

 

Ra chút máu có phải là sẩy thai?

 

Biểu hiện của tình trạng này là xuất hiện các vết máu rất nhạt trong quần lót hay trên giấy vệ sinh. Hiện tượng này khá phổ biến trong giai đoạn đầu mang thai.

 

Tuy nhiên, dù lượng máu chỉ rất ít, phải quan sát kỹ mới thấy thì bạn cũng nên đi khám ngay. Các nghiên cứu cho thấy khoảng 25 - 35% phụ nữ gặp hiện tượng này sẽ bị chứng chuột rút trong suốt 3 tháng đầu mang thai và khoảng 15% trong số này sẽ bị sẩy thai.

 

Giảm nguy cơ sẩy thai bằng cách nào? Có thể ngăn ngừa?

 

Điều quan trọng nhất là phải bỏ thuốc lá trước khi mang thai. Nếu chồng là một người nghiện thuốc lá thì hãy vận động anh ấy bỏ thuốc. Đây có thể là một trong những việc khó khăn nhất mà anh ấy phải làm nhưng nó sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ sẩy thai của bạn. Ngoài ra, cũng cần lành mạnh hóa lối sống của mình trước khi quyết định có con.

 

Nếu đã có bầu thì bỏ thuốc lá, giảm đồ uống chứa cafein và cồn lúc này cũng chưa muộn. Theo khuyến nghị, các bà bầu không nên “nạp” vào cơ thể nhiều hơn 300mg cafein/ngày, tương đương với 4 tách cà phê. Mặc dù chưa có tính quy mô nhưng một nghiên cứu khác cho thấy uống nhiều hơn 1-2 đơn vị đồ uống này/tuần sẽ khiến nguy cơ sẩy thai tăng cao.

 

Nếu đã từng bị sẩy thai, bác sĩ sẽ đề nghị bạn làm các xét nghiệm trong 2 tháng đầu mang thai. Rất có thể bạn sẽ phải tạm dừng “yêu”, ít nhất là trong 3 tháng đầu, cho tới khi thai đã bám chắc vào tử cung.

 

Nếu bạn đã từng sẩy thai do thai nhi bị khuyếm khuyết hệ thần kinh thì nên bổ sung nhiều thực phẩm chứa folate cũng như uống viên nén trước khi mang thai 2 tháng.

 

Nếu trong trường hợp tử cung quá yếu thì bạn sẽ cần tới sự hỗ trợ của y học. Một phẫu thuật nhỏ sẽ giúp củng cố sự vững chắc của tử cung trước khi thai vào làm tổ.

 

Cuối cùng, rất tiếc là hiện chưa có nhiều biện pháp để ngăn ngừa tình trạng sẩy thai.

Minh Thu