Sẩy thai rất dễ tái phát

Rất nhiều phụ nữ bị sẩy thai nhưng không tìm nguyên nhân để điều trị. Hậu quả nguy hiểm nhất có thể xảy ra là tình trạng tái sẩy thai nhiều lần.

Tiến sĩ Vũ Thị Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hùng Vương, cho biết, sẩy thai là thai bị tống xuất ra khỏi buồng tử cung khi chưa có khả năng tự sống được. Tai biến này nếu xảy ra trước tuần thứ 12 thì gọi là sẩy thai sớm, chiếm khoảng 15% các trường hợp thai nghén.

Trên thực tế, con số này có thể cao hơn vì nhiều trường hợp sẩy thai ở nhà và bệnh nhân không đến bệnh viện. Sẩy từ sau tuần thứ 12 và trước tuần thứ 28 của thai kỳ được gọi là sẩy thai muộn, chiếm khoảng 3% số ca thai nghén. Từ tuần thứ 28 trở đi, việc tống xuất thai được gọi là sinh non. 

Nếu xét về trọng lượng thì gọi là sẩy thai khi trọng lượng thai bị tống xuất dưới 500 g. Nếu trọng lượng thai là 501-999 g thì gọi là sinh cực non.

Có rất nhiều nguyên nhân gây sẩy thai sớm: Tất cả các trường hợp nhiễm khuẩn gây tăng nhiệt độ của mẹ như rubella, cúm, nhiễm toxoplasma, sốt rét, viêm phổi, thương hàn, hoặc các chấn thương về tâm lý như sợ hãi, xúc động quá độ... đều có thể gây sẩy thai. U xơ tử cung dưới niêm mạc có thể ngăn cản quá trình làm tổ, hoặc ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của các mạch máu tử cung nhau và gây sẩy. Chấn thương trực tiếp ở vùng bụng có thể chạm đến tử cung dẫn đến tai nạn này.

Sẩy thai sớm còn có thể do dị dạng tử cung, dính buồng tử cung, đa thai, dị dạng dây rốn, phôi chết trong tử cung, viêm nội mạc động mạch hay hoại thư bánh nhau. Tất cả các rối loạn nội tiết cũng đều có thể gây sẩy thai như cường giáp, thiểu giáp, đái tháo đường, hội chứng Cushing, cường androgen tuyến thượng thận, suy hoàng thể (khiến niêm mạc tử cung không trưởng thành tốt, gây bất lợi cho sự làm tổ của trứng và làm tử cung co bóp nhiều). 

Sai lạc nhiễm sắc thể chiếm 50-60% số ca sẩy thai sớm. Sự phát triển bất thường xảy ra trong quá trình phân bào và làm thai không thể thích hợp với đời sống nữa. Tia X, siêu vi khuẩn, các tác nhân hóa học có thể là nguyên nhân gây sai lạc nhiễm sắc thể. Một nguyên nhân nữa gây sẩy thai trước 12 tuần là cơ thể người mẹ “chống” lại thai, xem thai như một mảnh ghép trong tử cung và ức chế sự phát triển của phôi.

Sẩy thai muộn cũng có nhiều nguyên nhân, chẳng hạn: sai lạc nhiễm sắc thể làm thai phát triển bất thường rồi sẩy; máu tụ sau nhau (thường gặp ở người mẹ bị cao huyết áp) hay ở bờ bánh nhau; vỡ ối non (thường gặp trong đa thai, đa ối, hở eo tử cung).

Sẩy thai muộn còn có thể do những bất thường ở tử cung (như dị tật, thiểu sản tử cung, dính buồng tử cung, u xơ tử cung), bệnh toàn thân (như cao huyết áp, đái tháo đường, bệnh tim), nhiễm khuẩn, chấn thương vùng bụng (trực tiếp hay do phẫu thuật, do thủ thuật chọc dò ối qua thành bụng...). Ngoài ra, còn có khoảng 20-30% các trường hợp sẩy thai muộn không tìm được nguyên nhân rõ ràng.

Theo tiến sĩ Vũ Thị Nhung, nhìn chung, những người có tiền sử sẩy thai sẽ rất dễ bị tái phát sẩy thai và nguy cơ này tăng theo số lần sẩy. Thường với những trường hợp sẩy thai 1 lần thì nguy cơ sẩy thai lần 2 là khoảng 30% và đến lần mang thai thứ 3, nguy cơ này sẽ tăng lên, có khi đến 50%.

Dấu hiệu dọa sẩy thai đầu tiên là đau bụng, sau đó ra máu âm đạo, thường chỉ với lượng ít, máu đỏ hoặc bầm đen, kéo dài nhiều ngày (nếu ra máu âm đạo lượng nhiều, tiên lượng là sẽ bị sẩy thai), có thể kèm cảm giác trằn bụng dưới hoặc đau lưng. Khi thấy các dấu hiệu này, bệnh nhân nên đi khám bác sĩ hoặc đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa gần nhất.

Có một số trường hợp dọa sẩy thai, khi đến bệnh viện chẩn đoán còn thai nhưng vài ngày sau đó thì siêu âm lại cho kết quả là thai đã sẩy. Tiến sĩ Nhung khẳng định rằng các trường hợp này thường không phải do sự tắc trách của bệnh viện hay nguyên nhân ngẫu nhiên nào mà hầu hết là do bất thường về nhiễm sắc thể. Do đó, sẩy thai trong những trường hợp này được xem như một cơ chế tự nhiên loại trừ những thai bất thường, không có khả năng sống khi ra đời.

Tiến sĩ Nhung khuyên rằng, những người đã bị sẩy thai hoặc sẩy tái phát nếu muốn có thai lại thì nên đi tham vấn và khám toàn diện ở cơ sở y tế chuyên khoa có uy tín. Họ cần làm một số xét nghiệm tìm bệnh lý trước khi muốn có thai lại lần sau, chẳng hạn tầm soát các bất thường như dị dạng tử cung, đái tháo đường, cường giáp, những bệnh lý về nhiễm trùng... hoặc làm xét nghiệm máu để tìm bất đồng nhóm máu.

Theo Sức Khỏe & Đời Sống