Say nắng có thể gây chết người

Người bị say nóng, say nắng nặng có thể co giật, tụt huyết áp và hôn mê. Trong những trường hợp này, nếu không cấp cứu kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong.

Say nóng xảy ra khi hoạt động kéo dài trong môi trường có nhiệt độ cao, nhất là khi sự thải nhiệt của cơ thể bị cản trở (mặc quần áo không thấm nước, môi trường có độ ẩm quá cao). Say nắng xuất hiện khi ở lâu ngoài trời nắng. Cả 2 chứng này đều có biểu hiện tăng thân nhiệt nặng, kèm theo mất nước toàn thể rất nặng. Say nắng có thể có thêm tổn thương thần kinh trung ương do tác dụng trực tiếp của tia nắng vào đầu, gáy.

Biểu hiện chung của say nắng, say nóng là: Sau một vài giờ hoạt động liên tục ở môi trường nóng hoặc ngoài trời nắng, người mệt mỏi uể oải, vã mồ hôi, xuất hiện hoa mắt, chóng mặt, váng đầu, loạng choạng rồi ngã. Ý thức lơ mơ lú lẫn, có khi đi vào hôn mê. Có thể kèm theo nôn mửa, co giật từng cơn, da nóng, thân nhiệt tăng (trên 40 độ C), có dấu hiệu mất nước toàn thể nặng, nhịp tim nhanh, huyết áp có thể tụt.

Để tránh gặp say nắng, say nóng, cần đội mũ khi đi ra nắng, quần áo may bằng loại vải thấm nước, cổ áo cao che được gáy. Người làm việc thường xuyên ở môi trường nhiệt độ cao phải mặc quần áo chuyên dụng. Tùy theo nhiệt độ môi trường, thời tiết nắng nóng mà quy định thời gian làm việc, nghỉ ngơi một cách hợp lý. Thường sau 45-60 phút hoạt động thì nghỉ giải lao 10-15 phút. Bảo đảm chế độ dinh dưỡng khoa học, hợp lý, cung cấp đủ calo và nhất là đủ nước.

Khi có người say nắng, say nóng, cần đưa ngay bệnh nhân ra khỏi môi trường nóng càng sớm càng tốt, cho nằm ở nơi thoáng gió, quạt mát, cởi bỏ quần áo, chườm mát toàn thân bằng khăn thấm đẫm nước lạnh hoặc dội nuớc mát lên người. Nếu bệnh nhân còn tỉnh và uống được thì cho uống oresol 1,5-2 lít trong giờ đầu, nếu không có thì pha nước với ít muối và đường. Nếu bệnh nhân co giật, rối loạn ý thức thì phải chuyển ngay tới cơ sở y tế gần nhất. Trong quá trình vận chuyển, phải tiếp tục chườm lạnh, để bệnh nhân nằm đầu nghiêng.

Theo Sức Khỏe & Đời Sống