1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Sâu răng - Âm thầm mà dữ dội

Theo số liệu công bố trong một tài liệu chuyên khoa năm 2003, 90% dân số Việt Nam có vấn đề về răng miệng. Trong đó, bệnh sâu răng và bệnh quanh răng là hai bệnh phổ biến nhất.

Được xếp vào chứng bệnh của thời đại và văn minh, bệnh sâu răng cùng với bệnh vùng quanh răng là những bệnh phổ biến nhất của ngành Nha khoa (so với các bệnh khác như bệnh tủy răng, bệnh của răng khôn).

 

Bệnh về răng đang có chiều hướng tăng cao ở nước ta do những thay đổi trong lối sống, thói quen sinh hoạt, chế độ ăn uống và tuổi thọ trung bình.

 

Sâu răng là gì?

 

Bệnh sâu răng thực chất là sự tiêu hủy cấu trúc vôi hóa vô cơ (tinh thể canxi) của men răng và ngà răng, tạo nên lỗ hổng trên bề mặt răng, do vi khuẩn gây ra.

 

Nguyên nhân gây bệnh sâu răng: 3 yếu tố quan trọng gây bệnh sâu răng là vi khuẩn, đường (trong thức ăn) và thời gian.

 

- Vi khuẩn gây bệnh sâu răng tồn tại và bám trên bề mặt răng nhờ lớp mảng bám răng (dân gian gọi là bựa răng).

 

- Đường trong thức ăn và đồ uống: Vi khuẩn sử dụng đường để tạo và phát triển các mảng bám răng. Đồng thời chúng tiêu hóa đường để tạo axit, ăn mòn dần các chất vô cơ ở men răng và ngà răng, làm thành lỗ sâu.

 

- Thời gian vi khuẩn và đường tồn tại trong miệng. Nói chung vi khuẩn luôn tồn tại trong miệng. Còn đường thường tồn tại từ 20 phút đến khoảng 1 giờ trong miệng sau khi ăn, tùy thuộc vào hình thức chế biến trong thức ăn (đặc quánh hay lỏng, loãng).

 

Sâu răng xuất hiện khi nào?

 

Bệnh sâu răng chỉ diễn ra khi cả 3 yếu tố trên cùng tồn tại. Vì thế cơ sở của việc phòng chống bệnh sâu răng là ngăn chặn 1 hoặc cả 3 yếu tố xuất hiện cùng lúc.

 

Còn một yếu tố thứ tư không kém phần quan trọng là bản thân người bệnh. Các yếu tố chủ quan như tuổi tác, bất thường của tuyến nước bọt, bất thường bẩm sinh của răng có thể khiến cho khả năng mắc bệnh sâu răng tăng cao và tốc độ bệnh tiến triển nhanh.

 

Dấu hiệu của bệnh

 

Một dấu hiệu dễ nhận thấy nhất là xuất hiện lỗ hổng trên bề mặt răng. Bệnh nhân nào cũng có thể tự phát hiện ra dấu hiệu này. Nhưng rất tiếc là khi các lỗ hổng này xuất hiện ra thì bệnh đã tiến triển được một thời gian dài, đang bước sang giai đoạn trầm trọng.

 

Do đó lỗ sâu răng không phải là dấu hiệu giúp chúng ta phát hiện bệnh kịp thời. Bình thường bệnh sâu răng có tốc độ phát triển tương đối chậm, mất khoảng từ 2 đến 4 năm để ăn sâu từ bề mặt lớp men răng đến lớp ngà răng. Khoảng từ 6 tháng cho đến 1 năm (hoặc có khi 2 năm) đầu thì bệnh thường tiến triển mà không tạo lỗ trên bề mặt răng. Do đó người bình thường không nhận ra mình bị bệnh.

 

Khi lỗ sâu còn nông thì không đau. Chỉ đến khi lỗ sâu lớn, ăn vào lớp ngà răng thì mới thấy đau với mức độ nhẹ, đặc biệt là khi ăn thức ăn nóng, lạnh hoặc chua, ngọt. Nhưng ngừng ăn thì cơn đau cũng ngừng.

 

Nếu để bệnh tiếp tục tiến triển thì sâu răng sẽ ăn vào tận buồng tủy răng, gây ra bệnh viêm tủy, đến lúc này thì rất đau, cơn đau kéo dài và người bệnh thường không xác định chính xác được là răng nào đau (thường chỉ xác định được một khu vực đau chung chung).

 

Nếu vẫn tiếp tục để bệnh phát triển mà không điều trị thì tủy răng sẽ chết và từ bệnh sâu răng và viêm tủy răng sẽ phát sinh ra các biến chứng như viêm quanh cuống răng, rụng răng, viêm xương, viêm hạch... nhiều trường hợp gây ra tử vong. Vì vậy, không nên coi thường bệnh sâu răng.

 

Điều trị bệnh sâu răng

 

Nếu được phát hiện sớm khi lỗ sâu răng chưa xuất hiện hoặc khi sâu răng chưa ăn sâu vào lớp ngà răng thì phần lớn bệnh sâu răng có thể được ngăn chặn bởi chính người bệnh mà không cần phải điều trị phức tạp, tốn kém.

 

Có 3 cách chủ yếu để chữa bệnh sâu răng ở giai đoạn sớm, đó là:

 

- Vệ sinh răng miệng thường xuyên và đúng cách.

 

- Hạn chế tối đa các thức ăn, đồ uống có phụ gia là đường.

 

- Sử dụng dung dịch keo Fluor ở chỗ răng sâu. Phương pháp này có tác dụng rất nhanh và hiệu quả trong việc ngăn chặn sâu răng và phục hồi cấu trúc răng trở lại bình thường. Bởi vì Fluor ở dung dịch này có nồng độ cao hơn nhiều so với ở trong kem đánh răng. Nhưng tuyệt đối cách này chỉ được thực hiện bởi nha sĩ để tránh ngộ độc Fluor, nhất là ở trẻ em.

 

Ở giai đoạn muộn của bệnh sâu răng thì cách điều trị phổ biến nhất là hàn răng. Trong một số trường hợp hy hữu khi răng sâu nặng, không thể hàn được thì phải nhổ.

 

Vậy làm sao để phát hiện ra bệnh sâu răng sớm?

 

Chỉ có một cách duy nhất là đi khám nha khoa theo định kỳ 6 tháng 1 lần, bởi vì chỉ có nha sĩ với những phương pháp kiểm tra lâm sàng và X-quang mới có thể phát hiện ra sâu răng ở giai đoạn sớm.

 

Theo Đẹp