Hà Tĩnh:
Sau lũ, nông dân khóc ròng vì dịch tả lợn châu Phi bùng phát trên diện rộng
(Dân trí) - Không chỉ gây thiệt hại lớn về hoa màu, cây ăn quả, đợt lũ vừa xảy ra đang khiến người chăn nuôi nhiều địa phương tại Hà Tĩnh lao đao khi dịch tả lợn châu Phi tiếp tục diễn biến phức tạp, dịch bùng phát thêm nhiều xã và đang tiếp tục lan rộng.
Dịch lan nhanh do chuồng trại bị ngập
Ông Nguyễn Văn Đại – Phó Chủ tịch UBND xã Trung Lộc (huyện Can Lộc) thông tin, chỉ mấy ngày sau khi mưa lũ rút, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện địa bàn thôn Bình Minh, sau đó dịch lây lan thêm 18 hộ ở một số thôn trong xã.
Đặc biệt, theo ông Đại, tại thôn Đồng Kim trước đây chỉ có 2 hộ có lợn bị nhiễm bệnh, thì sau mưa lũ, dịch bệnh đã phát sinh tại 11 hộ dân.
Tổng cộng toàn xã Trung Lộc đã có 54 con lợn bị chết từ sau lũ do mắc chứng bệnh nêu trên.
Nguyên nhân, theo ông Đại, phần lớn là do địa bàn Trung Lộc thuộc vùng trũng, trận mưa lũ vừa qua đã khiến chuồng trại của nhiều hộ ở xã này nước ngập nhà từ 1,2 đến 1,5m.
Tại thị trấn Nghèn đã có 4/18 tổ dân phố xuất hiện dịch bệnh với 106 con lợn của 18 hộ nuôi bị chết. Riêng ngày 10/9 có 3 hộ chăn nuôi ở khối phố 8 và Xuân Thủy 2 có 31 con lợn bị chết do dịch.
Theo tìm hiểu của Dân trí, không chỉ riêng xã Trung Lộc và thị trấn Nghèn, sau đợt mưa lũ vừa qua, dịch tả lợn châu Phi đã lây lan thêm 3 xã của huyện Can Lộc là Gia Hanh, Thường Nga và Tiến Lộc.
Nguyên nhân khiến dịch bệnh bùng phát và lây lan nhanh ở Can Lộc được xác định một phần bởi mưa lũ. Ngập lụt ở nhiều địa bàn khiến chuồng trại bị ngập, trong khi chăn nuôi nông hộ ở Can Lộc có số lượng lớn, dân cư lại ở liền kề làm dịch bệnh lây lan nhanh.
“Việc phòng chống dịch bệnh trở nên bất khả kháng khi một số chuồng trại chăn nuôi bị ngập, dịch bệnh lây lan là điều không thể tránh”-một cán bộ tại Phòng Nông nghiệp huyện Can Lộc phản ánh.
Quyết liệt dập dịch
Trước diễn biến phức tạp của đợt dịch mới này, tỉnh Hà Tĩnh đang huy động tối đa các đơn vị chuyên môn cùng với các địa phương tập trung khống chế, dập dịch một cách quyết liệt.
Đã tiêu hủy hơn 2.500 con lợn nhiễm bệnh
Ông Bùi Huy Cường - Phó Chủ tịch UBND huyện Can Lộc cho hay, sau hơn 2 tháng kể từ ngày bùng phát ổ dịch đầu tiên ở xã Thuần Thiện, đến nay, dịch tả lợn châu Phi đã lan rộng tại 72 thôn xóm, khối phố thuộc 17/23 xã, thị trấn, 470 hộ bị thiệt hại với số lượng hơn 2.500 con lợn bị tiêu hủy.
Đến nay Can Lộc đã chi hơn 1,2 tỷ đồng cho việc mua hóa chất, vôi, bảo hộ, máy bơm động cơ, kinh phí chốt chặn, tiêu hủy…
Tại vùng tâm dịch Can Lộc- tỉnh Hà Tĩnh đã yêu cầu cơ quan chuyên môn cùng người dân đã phối hợp tăng cường công tác tiêu độc, khử trùng sau khi lũ rút, xử lý nước uống cho gia súc bằng Cloramin; kiểm soát chặt chẽ công tác trực chốt, việc tiêu hủy lợn ốm chết; tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để nhân dân nâng cao ý thức phòng chống dịch, thực hiện các biện pháp an toàn sinh học.
Tỉnh Hà Tĩnh cũng đã hỗ trợ khẩn cấp huyện Can Lộc hóa chất, vôi bột để vệ sinh, khử trùng khu vực chuồng trại chăn nuôi.
Tại xã Trung Lộc, đến thời điểm này toàn xã đã sử dụng trên 300 lít hóa chất, 10 tấn vôi bột để vệ sinh, khử trùng chuồng trại của hộ chăn nuôi.
Cán bộ xã Trung Lộc rải vôi khử trùng trên tuyến đường chính vào trung tâm xã.
Ngoài ra, Trung Lộc cũng đã tăng cường công tác bám sát địa bàn, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền trong các hộ nuôi, đặc biệt là việc sử dụng nước sạch trong chăn nuôi.
Tại thị trấn Nghèn, ngoài các biện pháp chốt chặn, địa phương cũng đã thực hiện các giải pháp để giãn hộ nuôi nhằm giảm số lượng đàn, hạn chế thấp nhất thiệt hại.
Cán bộ chuyên môn tại thị trấn Nghèn phun thuốc khử trùng đối với các phương tiện vào địa bàn nhằm tránh mầm bệnh lây lan.
Cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, cơ quan chuyên môn, người chăn nuôi lợn tại Can Lộc cũng đang chủ động hơn trong việc đối phó với dịch tả lợn châu Phi. Tất cả các khu chuồng trại chăn nuôi lợn được người dân cách ly tuyệt đối với phương châm “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.
Cùng với tập trung chỉ đạo dập dịch tại “tâm dịch” Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh cũng yêu cầu tất cả các địa phương còn lại phải tập trung cao độ ngăn chặn, không để dịch tả lợn châu Phi bùng phát, lây lan sau mưa lũ.
Hà Phương