Sắt thép xếp đầy trong dạ dày một dị nhân ở Bình Dương

Vân Sơn

(Dân trí) - Có sở thích ăn các vật kim loại, dị nhân ở Bình Dương vừa phải nhập viện cấp cứu. Các bác sĩ đã lấy ra từ dạ dày bệnh nhân khoảng 1kg sắt thép với đủ các loại vật dụng.

Sắt thép xếp đầy trong dạ dày một dị nhân ở Bình Dương - 1
Hình ảnh kiểm tra cho thấy, dị vật cản quang xếp đầy trong đường tiêu hóa của bệnh nhân

Sáng 17/1, thông tin từ Đại tá - Bác sĩ Nguyễn Quốc Dũng, Phó chủ nhiệm khoa Ngoại bụng, Bệnh viện Quân Y 175 cho biết, tại đây vừa tiếp nhận và can thiệp cho một trường hợp bị dị vật đường tiêu hóa đặc biệt nguy hiểm.

Bệnh nhân là T.H.T. (27 tuổi, ngụ tại Bình Dương) được bệnh viện địa phương chuyển đến với chẩn đoán dị vật đường tiêu hóa. Khai thác bệnh sử ghi nhận bệnh nhân có dấu hiệu trầm cảm, thích ăn kim loại. Khoảng 1 tháng trước khi đến bệnh viện cấp cứu, nam bệnh nhân có dấu hiệu đau bụng, tình trạng bệnh diễn tiến ngày càng nặng.

Sắt thép xếp đầy trong dạ dày một dị nhân ở Bình Dương - 2
Sắt thép xếp đầy trong dạ dày một dị nhân ở Bình Dương - 3

Các bác sĩ đã nhanh chóng phẫu thuật lấy ra khoảng 1kg kim loại đã rỉ sét trong dạ dày người bệnh

Trên kết quả kiểm tra hình ảnh, bác sĩ cũng "tá hỏa" khi phát hiện dạ dày bệnh nhân chứa đầy các vật cản quang có hình dạng khác nhau. Dị vật chất đầy trong dạ dày người bệnh nên không thể lấy ra bằng phương pháp nội soi. Ngay lập tức, bác sĩ chỉ định phẫu thuật cấp cứu cho bệnh nhân.

Bằng phương pháp mổ hở, bác sĩ đã mở ổ bụng, mở dạ dày lấy ra khoảng 1kg sắt thép các loại như đinh, thìa, bấm móng nay, lưỡi dao, thỏi sắt, móc đồ… đã bị dịch dạ dày ăn mòn. Do số lượng dị vật trong bụng bệnh nhân quá nhiều nên ê kíp phải tiến hành chụp C-ARM ( X-quang trong mổ) để tránh bỏ sót dị vật.

Sau 2 giờ phẫu thuật, các bác sĩ đã lấy ra hết dị vật trong đường tiêu hóa của bệnh nhân và đóng lại ổ bụng. Hiện sức khỏe của người bệnh đã phục hồi tốt, được chuyển về khoa ngoại bụng tiếp tục theo dõi, điều trị. Sau can thiệp, bệnh nhân cần được hỗ trợ tâm lý để tránh nguy cơ có thể tiếp tục ăn kim loại.

Theo Đại tá - Bác sĩ Nguyễn Quốc Dũng, đây là trường hợp hiếm gặp, bệnh nhân có dấu hiệu của Hội chứng Pica. Đặc trưng của Hội chứng Pica là dấu hiệu của sự thèm ăn đối với các chất không chứa nhiều chất dinh dưỡng, chẳng hạn như kem đánh răng; tóc; giấy, thạch cao hoặc sơn; kim loại; đá hoặc đất; kính; hoặc phấn.

Sắt thép xếp đầy trong dạ dày một dị nhân ở Bình Dương - 4

Hội chứng Pica với các dấu hiệu của bệnh lý trầm cảm là nguyên nhân khiến người bệnh thích ăn kim loại

Sau khi ăn, bệnh thường dẫn đến tình trạng nghiêm trọng, cần phẫu thuật khẩn cấp do tắc nghẽn đường ruột cũng như các triệu chứng phức tạp hơn như thiếu hụt dinh dưỡng và nhiễm ký sinh trùng. Bệnh Pica được cho rằng có liên quan đến các rối loạn tâm thần và tình cảm khác. Các kích thích như chấn thương cảm xúc, thiếu thốn tình cảm, vấn đề gia đình, bị cha mẹ bỏ bê, những phụ nữ mang thai và gia đình tan vỡ có liên quan mật thiết đến Hội chứng Pica như một hình thức làm con người thỏa mãn.

Theo các nhà khoa học, Hội chứng Pica thường liên quan đến sự thiếu hụt khoáng chất trong cơ thể; tuy nhiên, những bất thường về sinh học hiếm khi xảy ra ở những người mắc Hội chứng Pica. Các nghiên cứu y khoa cho rằng, những triệu chứng về bệnh tâm thần, như rối loạn ám ảnh cưỡng chế và tâm thần phân liệt, đôi khi có thể gây ra Hội chứng Pica.

Sắt thép xếp đầy trong dạ dày một dị nhân ở Bình Dương - 5
Sau phẫu thuật sức khỏe của bệnh nhân đã bình phục tốt nhưng cần được hỗ trợ về tâm lý

Bệnh nhân của Hội chứng Pica thường đối mặt với rất nhiều nguy hiểm khi người bệnh ăn kim loại gây thủng đường ruột hoặc ăn nhầm những thứ có độc, có chứa khí gas, phân động vật có ký sinh trùng sẽ dẫn đến xuất huyết tiêu hóa, nhiễm trùng, nhiễm độc toàn toàn thân tỷ lệ tử vong rất cao. Những người ăn đất đá, sỏi, dẫn đến nguy cơ bị thiếu máu, có nồng độ hemoglobin trong máu thấp, nhóm phụ nữ mang thai và trẻ em mắc Hội chứng Pica sẽ chịu những tác động nghiêm trọng đến sức khỏe.

Từ trường hợp trên, bác sĩ khuyến cáo cộng đồng, Hội chứng Pica khá ít gặp. Tuy nhiên, để tránh những hậu quả xảy ra, khi phát hiện bệnh nhân có những bất thường về mặt tâm lý, thích ăn những vật không phải là thức ăn (đã nêu ở trên) cần đưa người bệnh đến gặp bác sĩ để được thăm khám, hỗ trợ, can thiệp sớm.