1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Sảng rượu - Hội chứng không thể xem thường

Sảng rượu xuất hiện ở những bệnh nhân nghiện rượu sau khi đã ngừng uống rượu (ngừng nhiễm độc rượu) một thời gian. Hình ảnh lâm sàng của nó được biểu hiện bằng hội chứng mê sảng, bằng các ảo thị giác giống sân khấu rực rỡ, hưng phấn vận động, tăng thân nhiệt.

Trong những năm gần đây hình ảnh lâm sàng của sảng rượu đã được mô tả. Mức độ phổ biến của sảng rượu trong loạn tâm thần cấp tính do rượu chiếm đến 3/4 số trường hợp.

 

Nhận biết tình trạng sảng rượu

 

Sảng rượu phát triển ở những bệnh nhân nghiện rượu trong thời gian dài. Nó thường bắt đầu xảy ra ở giai đoạn II của bệnh nghiện rượu, khi mà quá trình chuyển hóa của cơ thể bị biến đổi và rượu đã tham gia vào hệ thống chuyển hóa vật chất.

 

Các yếu tố làm suy giảm chức năng các cơ quan nội tạng khi phải ngừng uống rượu đột ngột thường gây ra sảng rượu một cách dễ dàng. Các yếu tố đó thường là bệnh nhiễm khuẩn, viêm phổi, viêm tụy, viêm túi mật, các phẫu thuật khác nhau ở khoang miệng, chấn thương sọ não, quá trình viêm nhiễm làm mủ, lao phổi đang tiến triển.

 

Sảng rượu thường xảy ra trong thời gian 1-3 ngày sau khi ngừng trạng thái nhiễm độc rượu. Các rối loạn cơ thể và rối loạn thần kinh trong hội chứng cai được mô tả như là các triệu chứng báo trước cho mê sảng. Các rối loạn thần kinh thực vật, sung huyết ngoài da, tăng tiết mồ hôi, tim đập nhanh, huyết áp động mạch dao động (có khuynh hướng giảm), run, giảm trương lực cơ, tăng phản xạ. Trong lần đầu tiên xuất hiện mê sảng có thể gặp cơn dạng động kinh toàn thể hoặc cục bộ.

 

Một trong những dấu hiệu sớm nhất khi xảy ra sảng rượu là mất ngủ, sau đó là ảo tưởng (tri giác nhầm) thị giác và thính giác cùng với các hoang tưởng và trạng thái hoảng sợ. Những ảo thính giác và ảo thị giác thật, giống sân khấu, thường xuất hiện trong bảng lâm sàng của sảng rượu. Phản ứng của bệnh nhân trong trạng thái đầy xúc cảm, lo âu, sợ hãi, chờ đợi sự sụp đổ, sự chết chóc làm cho họ rất dễ bị ám thị. Đôi khi ảo giác mang nội dung nghề nghiệp.

 

Hoang tưởng ở đây gắn liền với màu sắc của ảo giác. Ý thức của bệnh nhân có tính chất u ám, mê sảng. Định hướng thời gian và không gian đều sai nhưng còn định hướng bản thân. Mất khả năng phê phán. Hưng phấn vận động phù hợp với tính chất ảo giác và có mưu toan tự sát. Trong thời kỳ này người bệnh có thể bị bắt giữ vì những hành vi nguy hiểm cho xã hội. Bệnh nhân đi vào giấc ngủ rất thoải mái và sau đó hết rối loạn tâm thần. Thời gian của các cơn sảng rượu kéo dài 3-4 ngày. Nếu được điều trị tích cực thì sảng rượu chỉ xảy ra vài giờ mà thôi.

 

Trong sảng rượu nặng thì hưng phấn vận động chỉ xảy ra ở phạm vi hẹp và có các ảo xúc giác đa dạng. Trạng thái mê sảng nặng có thể dẫn đến hôn mê và rối loạn tim mạch. Đôi khi bệnh nhân thoát khỏi mê sảng nặng lại lâm vào hội chứng cai kéo dài vài ngày. Rối loạn tâm thần biểu hiện trong trạng thái sảng rượu thường kết hợp với các rối loạn cơ thể và rối loạn thần kinh rất đa dạng. Các rối loạn cơ thể biểu hiện chủ yếu là bệnh lý mạch máu như sung huyết da, đặc biệt là da mặt, vữa xơ mạch, tim nhịp nhanh, tăng thân nhiệt 38-39oC, rối loạn chức năng gan và thận. Có thể gặp viêm phổi, viêm gan, viêm tụy. Tử vong do sảng rượu có thể lên tới 50% số trường hợp mắc bệnh.

 

Xử trí và phòng ngừa

 

Điều trị sảng rượu cần phải sử dụng các biện pháp tổng hợp, đặc biệt là các bệnh nhân có rối loạn cơ thể nặng. Nguyên tắc chung là giải độc, sử dụng vitamin liều cao, nhất là vitamin nhóm B và thuốc hướng thần.

 

Giải độc bằng dung dịch có chức năng khử độc. Hay dùng nhất là unithiol dung dịch 5% x1ml cho 10 kg thể trọng. Tiêm các dung dịch ưu trương và các dung dịch đẳng trương (clorua natri 0,9%, glucoza 5%). Cho bệnh nhân uống nhiều nước.

 

Sử dụng thuốc chống loạn thần để điều trị trạng thái hưng phấn và gây ngủ kéo dài 16-18 giờ. Có thể dùng dung dịch seduxen 10mg pha loãng tiêm tĩnh mạch, pipolphen 0,05g tiêm bắp thịt. Trong những năm gần đây người ta dùng thuốc hướng tâm thần nhóm phenothiazin cho những trạng thái mê sảng tiến triển nặng. Ít dùng barbituric vì nó thường làm cho trạng thái nhiễm độc rượu tăng lên. Mục tiêu cơ bản trong điều trị sảng rượu là duy trì hoạt động của tim, đề phòng giảm huyết áp, chống kích động vận động. Trong các trường hợp sảng rượu nặng cần phải tiến hành các phương pháp hồi sức và lọc máu.

 

Theo PGS.TS. Cao Tiến Đức

Sức khỏe & Đời sống