Sản phẩm trẻ em có chất độc: Thương quá, các bà mẹ!
Mấy bà mẹ trẻ hoảng hốt vì thường dùng dầu gội Johnson’s Baby Shampoo cho con. “Ai ngờ dầu gội xịn có chất gây ung thư”. Mới tỉnh người một chút, lại nghe sữa Nhật Meiji chứa chất phóng xạ. “Lỡ tin sữa tốt, làm sao đây”. Thương quá, các bà mẹ!
Dầu gội nào đây?
Nhớ lại mấy năm trước có vụ nước tương đen chứa chất 3-MCPD, báo chí làm ầm ĩ, các bà mẹ mất ăn mất ngủ vì cháu chỉ ưa ăn cơm với nước tương. Rồi cũng qua đi vì 3-MCPD chỉ nghi gây ung thư trên chuột thôi mà.
Mới tháng 5 vừa qua, chất DEHP làm dẻo được cắc cớ dùng làm phụ gia cho thức ăn thức uống Đài Loan. Chất này được biết có tác hại đặc biệt làm teo bộ phận sinh dục nam của các cháu bé và có thể gây ung thư. Eo ôi! Sản phẩm Đài Loan tràn ngập thị trường nước ta. Các bà mẹ lo sốt vó cho các quý tử. Thực ra nên ái ngại nhiều cho 2/3 dân số Đài Loan vì dùng lâu rồi và dùng nhiều thức ăn thức uống chứa DEHP.
Dầu gội Johnson’s Baby Shampoo chứa chất độc?
Tin Associated Press 1/11/2011. Thông tin của Liên minh các nhóm vì sức khoẻ và môi trường. Hai hoá chất được coi là có hại cho các bé vẫn tồn tại trong dầu gội được bán ở Hoa Kỳ và vài xứ khác, mặc dầu công ty này đã làm các sản phẩm khác không có hai hoá chất này. Vào năm 2009, chính phong trào này đã thuê một labô (phòng thí nghiệm) độc lập tìm ra 1.4 – dioxane và formaldehyde trong dầu gội Johnson’s Baby Shampoo. Nay liên minh này kêu gọi người tiêu dùng nên tẩy chay các sản phẩm của Johnson dành cho các bé cho đến khi công ty đồng ý rút bỏ hoá chất có hại ra khỏi sản phẩm đang được bán trên thế giới.
Quaternium – 15 là một chất bảo quản, nhả ra formaldehyde. Formaldehyde thông dụng dưới tên formol, được dùng làm chất sát trùng. Chương trình Độc chất quốc gia Mỹ coi đây là chất gây ung thư ở người. Chất 1.4 – dioxane có tác dụng làm các hoá chất dễ hoà tan và làm mịn da cũng bị coi là có khả năng gây ung thư. Da đầu còn non của các bé dễ hấp thụ hoá chất nên dễ bị tác hại hơn người lớn.
FoxNews 17/11/2011. Công ty J&J đã công bố các kế hoạch trong vòng hai năm, loại các hoá chất có thể gây ung thư ra khỏi vài loại dầu gội trẻ em. Thấy như là một tin vui. Không hẳn vậy đâu. Sau hai năm rưỡi bị chương trình Vì các chất thẩm mỹ an toàn kêu gọi mọi người tẩy chay, công ty khổng lồ này mới nhường bước. Trước đó ông Weldon, CEO của J&J cho rằng lượng nhỏ formol trong sản phẩm của họ chỉ gây “nguy cơ nhỏ”. Mỗi lần tắm gội cho bé “một chút đó” tích tụ thêm. Thật là nguy hại cho bé. Khổ cho cha mẹ bé - và nay thì xấu cho việc kinh doanh của J&J.
Tin SGGP ngày 30/11/2011. Cục Quản lý dược công bố là không thấy các chất gây ung thư ở dầu gội trẻ em của Johnson & Johnson.
Trời ơi! Chất phóng xạ trong sữa cho trẻ con
Thông tin từ Nhật. Vào ngày 6/12/2011, chất cesium phóng xạ Cs-134 và Cs-137 thấy trong sữa Meiji baby. Độ nhiễm là 21,5 - 30,8 becquerel, thấp hơn mức chính phủ cho phép là 200 becquerel. Công ty Meiji nói là sữa này “trong giới hạn an toàn” và “không gây bất cứ nguy cơ nào” mặc dầu có nhiều bé được cho là đã chịu đựng phóng xạ trong cơ thể từ sữa, còn nhận phóng xạ bên ngoài từ tai nạn hạt nhân Fukushima vào tháng 3. Công ty đã thu hồi 400.000 hộp sữa này. Sự nhiễm xạ được nhóm người dân thành phố Nihonmatsu quận Fukushima phát hiện từ tháng 11 nhưng công ty không kịp thời xử lý thông tin này.
Meiji chi nhánh Đài Loan cho biết tất cả sữa bột Meiji bán ở vùng lãnh thổ này có nguồn gốc từ Úc và không nhiễm phóng xạ. Uỷ ban Bảo vệ người tiêu dùng sẵn sàng giúp đỡ những khách hàng đã mua sản phẩm này từ website đòi tiền lại (theo FOCUSTAIWAN 6/12/2011).
Nhiều người tiêu dùng Trung Quốc cho biết sẽ ngưng mua các sản phẩm Meiji Nhật. Còn có băn khoăn về các sản phẩm Meiji khác như sôcôla. Rất đông người mua sữa qua mạng mong chờ công ty thu hồi và trả tiền lại (Nhân dân Nhật báo online ngày 6/12/2011).
Theo tin từ Singapore thì nước này không nhập sữa Meiji và nhiều sản phẩm khác từ khi có sự cố Fukushima.
Cục ATVSTP: Khuyến cáo cẩn trọng sữa xách tay
Cục An toàn vệ sinh thực phẩm hôm qua 12/12 khuyến cáo chính thức liên quan đến việc Nhật Bản thu hồi lô sữa Meiji nhiễm phóng xạ.
Theo đó, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm cho biết sữa nhập khẩu từ Nhật Bản vào VN phải có giấy chứng nhận an toàn phóng xạ, nên lô sữa nhiễm phóng xạ không có trên thị trường. Tuy nhiên cảnh giác với sản phẩm xách tay từ Nhật Bản vì sản phẩm này không được kiểm soát. |
Theo GS.BS Nguyễn Chấn Hùng
Sài Gòn tiếp thị