Sa sút trí tuệ trẻ hóa, dấu hiệu nhận biết

Tú Anh

(Dân trí) - Nhiều người 50-60 tuổi đã có biểu hiện sa sút trí tuệ, nhầm lẫn về thời gian, địa điểm, biểu hiện quên kéo dài, rối loạn cảm xúc...

Ngày 21/9, Bệnh viện Lão khoa Trung ương và Hội Lão khoa Việt Nam đã tổ chức Ngày thế giới phòng chống bệnh Alzheimer với chủ đề "Xin đừng quên tôi - Forget me not" nhằm lan tỏa sự quan tâm và yêu thương của cộng đồng dành cho người mắc bệnh căn bệnh này.

Sa sút trí tuệ trẻ hóa, dấu hiệu nhận biết - 1

Tiết mục văn nghệ mở đầu chương trình khiến nhiều người xúc động, bởi "diễn viên" là người bị sa sút trí tuệ, nhưng được điều trị tích cực đã giúp người bệnh cải thiện (Ảnh: BV).

GS.TS Phạm Thắng, Chủ tịch Hội Lão khoa Việt Nam cho biết, bệnh Alzheimer là một dạng sa sút trí tuệ phổ biến nhất, có thể chiếm tới 70% các trường hợp bị mất trí nhớ.

Tại Việt Nam năm 2019 có 531.000 người bị sa sút trí tuệ, dự báo con số này sẽ tăng gấp 3, lên 1,8 triệu người vào năm 2050.

"Căn bệnh Alzheimer là căn bệnh hiểm ác đối với người già. Nhưng trên thực tế, số lượng người bệnh được chẩn đoán Alzheimer rất ít, chứng tỏ đây là tình trạng đáng báo động khi các bệnh nhân không nhận ra tình trạng của chính mình", GS Thắng cho biết.

Đáng nói, tình trạng suy giảm trí nhớ, sa sút trí tuệ có xu hướng trẻ hóa. Trước đây, đối tượng đến khám bệnh lý này chủ yếu trên 70 tuổi thì nay có một tỉ lệ lớn người bệnh từ 50- 60 tuổi. Khoảng 30-40% những người ở độ tuổi này đã phát hiện có tình trạng sa sút trí tuệ.

Sa sút trí tuệ trẻ hóa, dấu hiệu nhận biết - 2

Một hoạt động điều trị cho bệnh nhân sa sút trí tuệ (Ảnh: BV).

"Giảm trí nhớ, quên có xu hướng tăng lên, nhầm lẫn vị trí các đồ vật và khó tìm lại hay nhầm lẫn về thời gian và địa điểm... là những dấu hiệu đặc trưng để nhận biết tình trạng suy giảm trí nhớ, sa sút trí tuệ", GS Thắng nói.

Chia sẻ tại sự kiện, chuyên gia cho biết, khi mắc Alzheimer ở giai đoạn nặng, người bệnh có thể quên chính mình và phụ thuộc hoàn toàn vào gia đình, người thân.

Tại Việt Nam, đa số bệnh nhân Alzheimer được quản lý tại nhà, trong khi đó các chương trình, dịch vụ hỗ trợ người bệnh và người chăm sóc tại cộng đồng rất thiếu.

Một gia đình có người mắc Alzheimer, cả nhà gần như đảo lộn vì phải thay nhau chăm sóc, giám sát người bệnh, tránh sự cố đi lạc và nhiều vấn đề khác.

PGS.TS Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu trí nhớ và sa sút trí tuệ, Bệnh viện Lão khoa Trung ương, nhắc đến Alzheimer, nhiều người chủ quan nghĩ bệnh của người già.

"Có tuổi, ai rồi cũng quên quên, nhớ nhớ là suy nghĩ của rất nhiều người Việt. Vì thế, dù có các triệu chứng suy giảm trí nhớ, không phải ai cũng đi khám ngay. Chỉ khi tình trạng trở nên trầm trọng, cùng với rối loạn nhận thức khác, bệnh nhân mới đi khám", PGS Bình thông tin.

Theo PGS Bình, sa sút trí tuệ là bệnh lý, không phải quá trình lão hóa bình thường. Vì thế, việc phát hiện sớm bệnh Alzheimer rất có ý nghĩa trong điều trị.  

Bệnh nhân đến khám muộn, bệnh ở giai đoạn nặng, khi đó khả năng hỗ trợ điều trị không nhiều. Biến chứng, ảnh hưởng của sa sút trí tuệ trong sinh hoạt rất nguy hiểm, bệnh nhân có thể bỏng, ngã, gặp các chấn thương nguy hiểm.

"Tới đây, bệnh viện sẽ áp dụng các biện pháp xét nghiệm máu để chẩn đoán bệnh, từ đó có thể giúp người bệnh dự phòng và điều trị kịp thời", PGS Bình thông tin.

Dấu hiệu cảnh báo sa sút trí tuệ

Các biểu hiện sa sút trí tuệ ban đầu thường không rõ ràng, nhưng vẫn có một số dấu hiệu phổ biến. Dấu hiệu đặc trưng đầu tiên của tình trạng sa sút trí tuệ gồm:

- Giảm trí nhớ; nhầm lẫn vị trí các đồ vật và khó tìm lại.

- Nhầm lẫn về thời gian và địa điểm; giảm khả năng phán đoán; ảnh hưởng đến các hoạt động sinh hoạt hàng ngày của người bệnh; giảm khả năng giải quyết vấn đề và đưa ra các quyết định.

- Thay đổi về cảm xúc, tính cách (rối loạn về cách dùng từ)…

Do đó, khi có biểu hiện quên kéo dài, quên có xu hướng tăng lên, rối loạn cảm xúc, hành vi nên đi khám sớm.